Chuyển đổi số

Các dự án khởi nghiệp sáng tạo đừng quên bắt đầu từ 3 chữ M “muốn, mần và money”

DNVN - Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank cho rằng, các dự án khởi nghiệp chuyển đổi số nên bắt đầu từ 3 chữ M: muốn, mần (làm), money (tiền). Điều mà ông đặt kỳ vọng là lớp trẻ phải mạnh dạn, muốn là phải làm, còn để có tiền đã có các nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ.

Chủ tịch LienVietPostBank: "Fintech là cơ hội cho khởi nghiệp số" / Techfest 2019 thu hút đông đảo nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài

Các diễn giả thảo luận về chuyển đổi số cơ hội và thách thức cho khởi nghiệp sáng tạo.

Các diễn giả thảo luận về chuyển đổi số cơ hội và thách thức cho khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn ngày 4/12/2019..

Tại Diễn đàn “Cơ hội và thách thức cho Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Chuyển đổi số” diễn ra trong khuôn khổ Techfest 2019, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, chính quá trình chuyển đổi số đã và đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho lớp trẻ để có thể khởi nghiệp. Nhất là trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) trong mấy năm gần đây, rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công.

Ông Nguyễn Đình Thắng cũng không quên nhắc lại phương châm 3 chữ M: muốn, mần (làm), money (tiền) trong chuyển đổi số mà ông đã từng nói tại một số diễn đàn khởi nghiệp. Cũng chính vì thế, điều mà ông đặt kỳ vọng là lớp trẻ phải muốn là phải làm, còn để làm được thì phải có tiền. Việc kêu gọi vốn đầu tư giờ đây cũng không quá khó với các dự án khởi nghiệp vì rất nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng ở lớp trẻ trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo.

Còn theo PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, khác với nhiều năm trước, hiện nay nhiều các doanh nghiệp đã chủ động tìm đến các trường đại học thay vì các trường phải chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập cho sinh viên. Chính sự chủ động của doanh nghiệp với nhà trường là điều kiện tốt để sinh viên có cơ hội học hỏi từ môi trường thực tế để trưởng thành và có thể tham gia thị trường lao động hoặc tìm ra cơ hội để khởi nghiệp.

Cũng tại Diễn đàn, ông Hà Trung Dũng, Ban chiến lược sản phẩm Tập đoàn VNPT đã giới thiệu sản phẩm "Mô hình Softbank và hành trình chuyển đổi sang Hệ sinh thái số".

Tập đoàn VNPT với chiến lược phát triển trong kỷ nguyên mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã và đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP), trở thành một Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá để tiếp tục kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

 

Ông Hà Trung Dũng cho biết, VNPT phát triển và hoạt động với sứ mệnh: Cung cấp cho khách hàng và đối tác các sản phẩm, dịch vụ Viễn thông - CNTT - Truyền thông và Dịch vụ số chất lượng, đột phá, sáng tạo. VNPT kì vọng sẽ trở thành trung tâm số (Digital Hub) của khu vực châu Á trong tương lai.

Ông Phạm Kim Hùng, Tổng giám đốc Base Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp chuyển đổi số nên bắt đầu thế nào? Base hiện đang cung cấp nền tảng quản trị thống nhất cho hơn 3.000 doanh nghiệp, năm 2018 Base đã kêu gọi được 5 quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư.

Trong số 3.000 doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng của Base, có rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành, các ngân hàng lớn. Ông Kim Hùng chia sẻ, khi khởi nghiệp từ 3 năm trước, Base phải trả lời câu hỏi phải làm thế nào, phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ, lớn hay vừa. Base cũng suy nghĩ để trả lời câu hỏi ai thực sự cần chuyển đổi số, và sau đó đã đưa ra quyết định khá rủi ro là chọn các doanh nghiệp lớn nhất.

Khởi nghiệp với chỉ có 10 người, Base có niềm tin là thị trường đang thiếu những sản phẩm đủ tốt, các sản phẩm mà các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp không thực sự giúp doanh nghiệp có thể chuyển dịch, và Base đã thuyết phục được các doanh nghiệp lớn vì sản phẩm của Base tốt hơn nhiều lần sản phẩm họ đang có, tích hợp với các sản phẩm họ đang dùng.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải là số hóa dữ liệu, không phải là lý thuyết mà phải là thực hành, chuyển đổi số phải gắn với giá trị thay đổi doanh nghiệp, phải bắt đầu từ bài toán của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải định hình vấn đề họ gặp phải là gì, từ đó chúng ta phải tìm ra bài toán cho họ, tìm ra biện pháp giải được các khó khăn của doanh nghiệp. Và hơn bao giờ hết, chuyển đổi số là phải giải được bài toán tăng trưởng của doanh nghiệp, khả năng mà cơ hội doanh nghiệp chuyển đổi được rất lớn, phải thực sự tạo ra giá trị cho họ.

 

“Khi chúng ta cung cấp một công cụ tốt sẽ thay đổi toàn bộ văn hóa doanh nghiệp và cách vận hành của doanh nghiệp. Với nền tảng số hóa các quyết định về điều hành sẽ số hóa hết, khi doanh nghiệp nghĩ đến bất cứ thứ gì đều có số liệu đầy đủ để đưa ra quyết định”, ông Kim Hùng cho hay.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm