Chuyển đổi số

Chủ tịch LienVietPostBank: "Fintech là cơ hội cho khởi nghiệp số"

DNVN - Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, sự bùng nổ của các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) sẽ là cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp số. Nhà nước cần sớm có chính sách pháp lý, cơ chế thử nghiệm cho Fintech trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Khoảng 500.000 khoản vay được giải ngân/ngày, Fintech dẹp loạn tín dụng đen / Chủ tịch VAFIE: Luật sửa đổi phải thích hợp cho ngành nghề mới như Grab, Uber, Fintech, AI phát triển

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ tài chính, các định chế tài chính, ngân hàng đã luôn giữ vai trò cột trụ, quan trọng nhất. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi số ngày nay, khái niệm, phạm vi hệ thống tài chính đã và đang có sự thay đổi, mở rộng để đáp ứng nhu cầu giao dịch online cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng. Đó là sự tham gia ngày càng tăng của các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Với lợi thế và tiềm năng của mình, các công ty Fintech (kết hợp với các ngân hàng) đang góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế, xã hội cũng như đem lại cơ hội thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Fintech có những lợi thế mà các doanh nghiệp tài chính lớn không có được

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), sự bùng nổ của các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.

Theo báo cáo Vietnam Digital Landscape 2019 của We are social và Hootsuite, đến tháng 1/2019, 72% người trưởng thành (dân số trên 15 tuổi) tại Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Trong khi đó theo Statistic, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam năm 2018 & 2019 (dự báo) đạt lần lượt 32,43 và 35,67 triệu người, và tiếp tục tăng nhanh chóng theo từng năm. Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet (trong đó 61.73 triệu người truy cập bằng thiết bị di động, chiếm 96% số người sử dụng Internet và gần 64% dân số Việt Nam), đứng vị trí thứ 6 khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương và thứ 13 trên thế giới (theo Internet World Stats). Thêm vào đó, sự am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin của người trẻ tuổi, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp… là những yếu tố thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng dựa trên nền tảng Fintech tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, Fintech có những lợi thế mà những doanh nghiệp tài chính lớn không có được, đó là: Tính linh hoạt, nhanh nhạy, có khả năng tiếp cận thẳng với những công nghệ hàng đầu hiện đại nhất, sáng tạo nhất. Quy mô nhỏ phù hợp với việc phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường, khách hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng với quy trình rút gọn. Cung cấp môi trường đáp ứng được tối đa mong muốn, khát vọng cống hiến của người trẻ khởi nghiệp.

Nghiên cứu toàn cầu gần đây của Ngân hàng Thế giới và của Công ty Oracle cho thấy, 515 triệu khách hàng trên toàn thế giới đã mở tài khoản ngân hàng thông qua các công ty Fintech trong ba năm qua và hơn 30% số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét việc thử nghiệm các dịch vụ do công ty Fintech cung ứng. Nhìn chung, những lĩnh vực tiềm năng cho các công ty Fintech tham gia hiện nay gồm: Dịch vụ tài chính ngân hàng (thanh toán, tín dụng, huy động vốn, quản lý tài sản…); dịch vụ đầu tư, bảo hiểm; sản xuất, phân phối hàng hóa, logistic, y tế, giáo dục.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Fintech Việt Nam còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trên thế giới hiện có khoảng 9.300 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Ở Việt Nam, Fintech đã thu hút được sự quan tâm rất lớn, các công ty này hiện chủ yếu tập trung ở các mảng: thanh toán, cho vay/huy động và các dịch vụ hỗn hợp khác. Doanh thu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được dự báo đạt khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020, khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh, nhất là trong các thanh toán qua di động, Internet và ví điện tử.

Tuy nhiên so sánh tương quan với các nước trong khu vực nhu Malaysia, Trung Quốc, Singapore và các nước khác thì Fintech tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế cả về cơ chế chính sách, số lượng, phạm vi hoạt động và nhiều yếu tố khác. Về số lượng, các công ty tham gia vào Fintech còn quá ít so với các nước trong khu vực, Singapore có khoảng 490 công ty, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty, Thái Lan 128 công ty.

Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chưa có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực do chưa có sự phối hợp đào tạo giữa chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia tài chính ngân hàng.

Về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu môi trường thử nghiệm; thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển của công nghệ.

 

Cần sớm ban hành pháp lý, cơ chế Sandbox cho Fintech

Tại Việt Nam, hiện có đến 70% công ty Fintech (công nghệ trong tài chính) là các công ty khởi nghiệp, có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển. Để phát triển và nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech, cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng chính là Chính phủ, các trường đại học, các tổ chức lớn (ngân hàng, bigtech). Bên cạnh đó, 3 thành tố quan trọng nhất của một hệ sinh thái gồm: môi trường kinh doanh/khả năng tiếp cận thị trường; Chính phủ/hỗ trợ pháp lý và khả năng tiếp cận vốn.

Lợi thế của Việt Nam là 3 thành tố xây dựng hệ sinh thái đã hình thành, tuy nhiên để xóa bỏ rào cản và khó khăn hiện nay, sự kiến tạo về pháp lý, hỗ trợ về chính sách của Chính phủ là rất cần thiết để phát triển Fintech và hệ sinh thái. Các đề xuất cơ chế thúc đẩy cơ hội khởi nghiệp Fintech gồm: Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động Fintech. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech. Có chính sách tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và các lĩnh vực khác. Đồng thời sớm ban hành pháp lý, cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt công nghệ Fintech trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Ông Nguyễn Đình Thắng cũng đưa ra đề xuất cần xây dựng các trung tâm khởi nghiệp số quốc gia và tại các trường Đại học. Đồng thời, cũng như xây dựng hệ sinh thái và đa dạng hóa sản phẩm Fintech. Các cơ quan quản lý nhà nước kết hợp với các Tổ chức, hiệp hội công nghệ thường kỳ tổ chức các Diễn đàn, hội thảo... về khởi nghiệp số, Fintech, công nghệ số để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ mới, kiến nghị về chủ trương chính sách của nhà nước... nhằm thúc đẩy sự phát triển khởi nghiệp số, Fintech và ứng dụng công nghệ.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm