Chuyển đổi số

Techfest 2019 thu hút đông đảo nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài

DNVN - Tối ngày 4/12/2019, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2019). Điểm nổi bật của Techfest năm nay là có sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chuyên gia quốc tế.

Chủ tịch LienVietPostBank: "Fintech là cơ hội cho khởi nghiệp số" / Apple đang có 30 đối tác cung cấp linh kiện quan trọng đặt nhà máy tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Techfest 2019.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Techfest 2019.

Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

VinTech City phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình Silicon Valley

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhiều năm qua có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó 5 lần tổ chức ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp cộng đồng khởi nghiệp kết nối các nguồn lực. Năm 2019, Việt Nam đã có bước tiến rất dài phát triển về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Song, cần nhìn nhận, dù các Starup có điểm riêng nhưng không thể tách khỏi sự phát triển chung của đất nước, với các tiêu chung của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc “Kết nối” trong các lĩnh vực từ công nghệ, con người. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước đang phát triển như Việt Nam thì còn rất nhiều việc cần phải làm để không bị lỡ “con tàu” Cách mạng công nghiệp 4.0 phải có cách làm mới, khác biệt và sáng tạo. Theo Phó Thủ tướng, nếu cộng đồng sẵn sàng đưa ra, cổ vũ những ý tưởng mới, chung tay nhau để hiện thực hóa thì nhất định sẽ thành công. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển nhanh hơn, còn phải bền vững hơn và đặt niềm tin vào hội tụ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người.

Điểm nhấn của Techfest 2019 là sự vào cuộc và hỗ trợ của VinTech City, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, được hình thành với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam theo mô hình Silicon Valley. Với mục tiêu đó, VinTech City tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Nhân lực công nghệ, Sản phẩm công nghệ và Hệ sinh thái hỗ trợ. Trong đó, nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh được xem là bước đi chiến lược đầu tiên.

 

Tại sự kiện cũng diễn ra nhiều hoạt động nổi bật khác như Cuộc đua trí tuệ nhân tạo Deep Racer do Công ty Amazon Web Services tổ chức; Diễn đàn Sáng tạo Mở; Thuyết trình tạo cảm hứng TED@Techfest; Chung kết Cuộc thi Tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia mà quán quân của cuộc thi sẽ nhận được những giải thưởng có giá trị của Ban Tổ chức.

Trong năm 2019, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Theo Báo cáo ES Capital và Cento Ventures, trong năm 2019 Việt Nam đứng thứ ba trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, chỉ sau Inndonesia và Singapore. Trong những năm qua chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của chúng ta những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, từ vị trí thứ 59 năm 2017 lên vị trí 47 năm 2018, và 45 năm 2019 trong số 129 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới.

Toàn cảnh lễ khai mạc Techfest 2019 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Toàn cảnh lễ khai mạc Techfest 2019 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Năm 2019 đã có 61 quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch tổng thể triển khai Đề án ở quy mô quốc gia và các kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp với yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã chứng kiến:

 

Thứ nhất: Sự hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; các chính sách thí điểm cũng đang được các Bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực Fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài.

Thứ hai: Hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh về mặt số lượng: 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh với những tên tuổi lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startups, 38 vườn ươm khởi nghiệp, và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế như Up, Toong.

Thứ ba: Sự lan toả mạnh của khởi nghiệp sáng tạo trong toàn quốc và tiếp cận với quốc tế: 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hơn 300 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức trong cả nước trong đó gần 30% là các sự kiện với quy mô lớn với 500 người tham dự trở lên, hơn 10 chương trình truyền hình về khởi nghiệp sáng tạo được phát sóng trong cả nước; năm 2019: sự kiện Techfest lần đầu tiên đã được tổ chức tại các quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore tạo cơ hội cho các startup tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các quốc gia phát triển cũng như thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các hoạt động đang triển khai tại Việt Nam.

Thứ tư: Các trường đại học đã hình thành nhiều những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức là cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năng lực tốt trong thời gian tới.

Thứ năm: Các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện có mặt tại Việt Nam năm 2019 là 61 quỹ trong đó có 10 quỹ trong nước. Đáng chú ý là sự gia tăng lớn về sự tham gia của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore vào hệ sinh thái Việt Nam, với 11 quỹ đến từ Singapore và 13 quỹ Hàn Quốc so sánh với chỉ 6 quỹ trong năm 2018 của cả hai quốc gia. Trong năm nay, các quỹ mới của Việt Nam cũng được thành lập, đưa các nguồn lực mới vào hệ sinh thái như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech City) và Next100. Sự vào cuộc của các tập đoàn lớn là tín hiệu đáng mừng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

 

Với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năm qua, trong 10 tháng đầu 2019 lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Đặc biệt, có những thương vụ quy mô rất lớn như thương vụ đầu tư vào VNLIFE, công ty mẹ của giải pháp thanh toán VNPAY lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Singapore. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các Kỳ lân mới – Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế.

“Thông qua Techfesh 2019, và thông qua việc cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triết lý về xây dựng lòng tin để cùng phát triển sẽ được cộng hưởng và đồng hành trong những bước đi tiếp theo. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng thống nhất về triết lý và tư duy, tầm nhìn tiến tới hành động, đặc biệt là trong khai thác, liên kết, thu hút và vận dụng có hiệu quả nguồn lực của KH&CN, của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, của sức mạnh tri thức và con người”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm