Chuyển đổi số

Các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương "mạnh tay" chi tiêu cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số

DNVN - Chi tiêu cho công nghệ thông tin của các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 8% hàng năm, đạt giá trị 151 tỷ USD vào năm 2025.

Thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa / Nhiều hạn chế khi doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự có kỹ năng số

Hãng công nghệ VMware vừa công bố nghiên cứu "Số hóa thông minh: Thúc đẩy chính phủ điện tử cho người dân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" (do Deloitte thực hiện), cho thấy người dân sống trong khu vực sử dụng công nghệ số ngày càng nhiều, tuy nhiên các Chính phủ vẫn chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ so với nhu cầu.

Nghiên cứu cho thấy tại các quốc gia trong khu vực, việc các cá nhân sử dụng dịch vụ công được cung cấp trực tiếp đã giảm xuống một nửa chỉ trong hai năm vừa qua và 77% người dân hiện nay chủ yếu sử dụng nền tảng số để truy nhập các dịch vụ công.

Nhu cầu ứng dụng công nghệ số của người dân ngày càng lớn.

Tuy nhiên, 67% đối tượng tham gia khảo sát kỳ vọng chất lượng dịch vụ công tương đương với chất lượng dịch vụ do các đơn vị thuộc khu vực tư nhân cung cấp. 41% người dân gặp khó khăn khi tự truy cập các dịch vụ số do thiếu kỹ năng số cơ bản hoặc hạ tầng số không thích hợp. Khi có thêm 900 triệu người sử dụng internet mới vào năm 2025 ở các nước trong khu vực (Úc, Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc), nhu cầu đầu tư vào các dịch vụ số của chính phủ tiếp tục tăng.

Chi tiêu cho công nghệ thông tin của các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 8% hàng năm, đạt giá trị 151 tỷ USD vào năm 2025 - cao hơn tốc độ tăng trưởng chi tiêu chính phủ hàng năm 6%.

Sự sẵn sàng chuyển đổi số trong tương lai của chính phủ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có rất nhiều điểm khác biệt.

84% người Singapore tham gia khảo sát kỳ vọng truy cập các dịch vụ công với tần suất bằng hoặc cao hơn hiện nay trong 5 năm tới và 76% đồng ý rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ để có thể sẵn sàng hơn cho tương lai.

85% đối tượng tham gia khảo sát tại Việt Nam mong muốn học được những kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới, 80% dự kiến truy cập các dịch vụ công với tần suất bằng hoặc cao hơn hiện nay trong 5 năm tới.

Các đối tượng tham gia khảo sát ở Ấn Độ cho rằng trải nghiệm tích cực khi sử dụng dịch vụ công sẽ nâng cao lòng tin của họ vào chính phủ và hiện tại 89% mong muốn học kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới.

81% đối tượng tham gia khảo sát tại Indonesia thoải mái hơn với việc sử dụng công nghệ số, đáng lưu ý hơn, các website của chính phủ đã thay thế dịch vụ cung cấp trực tiếp và trở thành biện pháp truy nhập dịch vụ công phổ biến nhất hiện nay.

90% đối tượng tham gia khảo sát tại Nhật Bản dự kiến truy cập các dịch vụ công thường xuyên hơn trong vòng 5 năm tới và chỉ 27% kỳ vọng chất lượng dịch vụ công tương đương với chất lượng do khu vực tư nhân cung cấp.

Sylvian Cazard, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc VMWare khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Từ nghiên cứu của Deloitte có thể thấy rõ rằng người dân kỳ vọng cấp độ và chất lượng dịch vụ do các công ty hay tổ chức tư nhân cung cấp. Cung cấp dịch vụ qua hạ tầng đa đám mây cũng như các ứng dụng và dịch vụ hiện đại được container hoá là cách thức của tương lai, do đó chính phủ các nước cần điều chỉnh tư duy và nguồn lực theo các xu hướng này để đáp ứng đúng nhu cầu của người dân".

Hoàng Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm