Chuyển đổi số

Cần sớm xác định mô hình phát triển kinh tế số

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), không gian phát triển kinh tế số Việt Nam nằm ở các ngành, lĩnh vực. Do đó, mỗi ngành, lĩnh vực sớm định hình về mô hình phát triển kinh tế số.

Chuyển đổi số TP Cần Thơ nằm trong top đầu của cả nước / Doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh mạng

Khó khăn trong đo đạc các chỉ tiêu về kinh tế số

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, địa phương đang xác định ba mũi nhọn thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số gồm: Công nghiệp chế biến - chế tạo, logistics và du lịch.

Để phát triển kinh tế số, Hải Phòng đang thu hút các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, thương mại dịch vụ có hàm lượng sản xuất công nghệ, ICT (công nghệ thông tin – truyền thông) đến đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh, tái tạo cũng như các DN phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển), đổi mới sáng tạo.

Chú thích ảnh
Các thiết bị được giới thiệu tại sàn giao dịch công nghệ. Ảnh: TTXVN

Về phát triển hạ tầng số, ông Hoàng Minh Cường cho biếtcòn rất nhiều khó khăn. Hải Phòng hiện là hub logistics trong thế giới thực và mong muốn trở thành hub trong thế giới ảo. Để làm được việc đó cần đầu tư rất nhiều vào hạ tầng số như các đường truyền, trong đó có cả đường trục quốc tế hay là xây dựng các trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây (ĐTĐM). Hải Phòng đang trải thảm đỏ, mở cửa cho các DN viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn đang hạn chế.

Hải Phòng cũng như các địa phương khác đang gặp phải vấn đề về đo đạc, đánh giá chi tiết về các cấu thành của kinh tế số. Khiđo đạc được mới xác định được điểm mạnh, điểm yếu và lập kế hoạch khắc phục các yếu tố khó khăn cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Bộ TTTT sớm có kế hoạch công bố các nền tảng chuyển đổi số quốc gia bởi địa phương đầu tư làm nền nảng mà sau đó Bộ mới công bố sẽ lãng phí.

Còn ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TTTT TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế số đến năm 2025 phải chiếm 25% GRDP và đến 2030 phải chiếm 40% GRDP. Kinh tế số là khái niệm mới nên trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển kinh tế số trong tất cả chương trình, nghị quyết của Đảng bộ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Thành phố để thực hiện chỉ tiêu này".

Trong thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung phát triển các hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhờ vậy, trong năm 2022, kinh tế số TP Hồ Chí Minh tăng 4% so với năm 2021 và đạt tỷ trọng khoảng 18,66%.

TP Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế số, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chuyển đổi số. Các nguồn lực và các cơ chế từ cơ quan Nhà nước của Thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vẫn còn khiêm tốn.

 

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thanh Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ điện tử - Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết: FPT đã đồng hành đào tạo và chuyển đổi số cùng 40 tỉnh, thành. Hiện nay, Tập đoàn FPT có 30 mô hình tiện ích gắn với Đề án 06. Trong đó, FPT đặc biệt coi trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu giúp lãnh đạo các địa phương chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực. Cũng trong quá trình đồng hành với lãnh đạo tỉnh, thành, FPT thiết kế giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức, viên chức, tạo ra phúc lợi cho người dân.

“FPT đã và đang cung cấp những giải pháp công nghệ tiên tiến để cùng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp giải các bài toán chuyển đổi số. Đơn cử như quy trình ký kết trên nền tảng Hợp đồng điện tử - FPT.eContract, cho phép doanh nghiệp có thể tiến hành ký kết an toàn, đảm bảo xác thực trên một nền tảng chung thống nhất. Đặc biệt, FPT vừa cho ra mắt phiên bản FPT.eContract Lite hoàn toàn miễn phí, không giới hạn thời gian sử dụng, phù hợp với nhu cầu ký kết của các doanh nghiệp SME”, ông Lê Thanh Bắc cho biết.

Dựa vào đổi mới sáng tạo số

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội (Bộ TTTT), nhóm nghiên cứu của Bộ TTTT và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và ước tính 6 tháng đầu năm 2023 là gần 15%.

Chú thích ảnh

Hiện tại, GDP kinh tế số Việt Nam có 65% từ doanh nghiệp ICT và 35% là từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Định hướng tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng GDP kinh tế số đạt 20%, trong đó tỷ lệ đóng góp từ doanh nghiệp ICT là 30% và đóng góp từ các doanh nghiệp khác là 70%.

 

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng trên 20%/năm. “Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá mới có thể đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùngnhận định.

Kinh tế số được cấu thành từ 2 thành phần chínhlà Công nghiệp ICT và kinh tế số từng ngành, lĩnh vực. Từ thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Không gian phát triển kinh tế số Việt Nam nằm ở các ngành, các lĩnh vực là chính. Phản ánh từ các địa phương cho thấy đang gặp khó khăn trong khâu đo lường kinh tế số của tỉnh, thành phố . Do đó, đặc biệt lưu ý đến sự cần thiết phải đo lường được kinh tế số quốc gia cũng như kinh tế số từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chỉ có đo lường được mức độ phát triển kinh tế số với độ trễ thấp, theo tháng, theo quý thì mới có dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số”.

Phát triển kinh tế số Việt Nam, cơ bản phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, thực hiện quản trị số và đào tạo kỹ năng số, nhân lực số.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm