Chuyển đổi số

CEO Phạm Hữu Ngôn: AhaMove tạo niềm cảm hứng để nhân viên đến công ty mỗi ngày với tinh thần lạc quan và nhiệt huyết nhất

DNVN - Đầu Xuân Canh Tý 2020, ông Phạm Hữu Ngôn, CEO và CTO của AhaMove đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về chiến lược làm sao để AhaMove có thể cạnh tranh được và “sống sót” trong cuộc chiến rất khốc liệt giữa các nền tảng gọi xe.

Sếp UBC TV: “Chúng tôi tự sản xuất tivi với tỷ lệ nội địa hóa 50%, sẵn sàng làm OEM cho các hãng tivi khác” / Grab, Go-Viet, be đồng loạt khuyến khích dân nhậu đặt xe trong dịp Tết

Ông Phạm Hữu Ngôn, CEO và CTO của ứng dụng gọi xe AhaMove.

Ông Phạm Hữu Ngôn, CEO và CTO của ứng dụng gọi xe giao hàng nhanh AhaMove.

Năm 2019, có thể nói là AhaMove đón nhận khá nhiều thông tin mới, trong đó có thể kể đến là lần đầu tiên từ khi khởi nghiệp tới nay, AhaMove đã đạt đến điểm hòa vốn. Đồng thời cùng với GHN, AhaMove đã nhận được khoản đầu tư lớn từ vốn ngoại. Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể về kết quả kinh doanh năm 2019 của AhaMove?

AhaMove đã trải qua năm 2019 khá thành công, đạt 101% chỉ tiêu đề ra. Số lượng khách hàng tăng trưởng 60%, số tài xế tuyển dụng mới cũng tăng 34% so với năm 2018. Đặc biệt tại một số thời điểm công ty đã đạt điểm hoà vốn, đây là một cột mốc quan trọng trong bối cảnh thị trường công nghệ còn nhiều biến động. Điều này thể hiện con đường công ty lựa chọn là đúng đắn, luôn nỗ lực tập trung tăng giá trị cho khách hàng và tài xế, thay vì đổ tiền vào khuyến mãi để giữ chân họ.

Với khoản đầu tư mới nhận được, AhaMove có định hướng phát triển như thế nào trong năm 2020? AhaMove sẽ cho ra đời những dịch vụ mới hay không?

AhaMove sẽ tiếp tục ra mắt những dịch vụ mới nhằm tối ưu năng suất cho tài xế và tăng giá trị cho khách hàng. Sắp tới với chúng tôi sẽ cung cấp thêm dịch vụ “Giao Gần”, nhằm phục vụ tập khách hàng là các nhà hàng quán cafe hiệu quả hơn. Khởi điểm sẽ từ 2km giá 18.000 đồng cộng thêm 5.000 đồng cho mỗi km phát sinh, thay vì block giá hơn 23.000 đồng cho 4km như trước kia.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nâng cấp gói giao hàng 4 tiếng, và gói Giao hàng liên tỉnh trên cơ sở hợp tác cùng GHN, để mang đến hình thức giao hàng mới tốc độ nhanh hơn với chi phí của giao hàng truyền thống. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng độ phủ của AhaMove ở các quận huyện ngoại thành để phục vụ tập khách hàng ở các khu vực này tốt hơn.

Ở thị trường Việt Nam hiện nay, các ứng dụng gọi xe đã và đang chạy đua “đốt tiền” và thị trường có sự cạnh tranh cực kỳ “đẫm máu”. Ông có thể chia sẻ làm sao để AhaMove có thể cạnh tranh được và “sống sót” trong cuộc chiến rất khốc liệt này?

Từ lúc khởi đầu AhaMove, chúng tôi đã luôn xác định lợi thế của mình nằm ở công nghệ. Nên AhaMove luôn tìm cách tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm của mình, bằng các tính năng liên tục tăng giá trị cho khách hàng và năng suất cho tài xế.

Chúng tôi tin rằng thị trường giao hàng nhanh có thể còn nhiều biến động, một số bên sẽ còn tiếp tục chi tiền khuyến mãi, nhưng cuối cùng bản chất của doanh nghiệp vẫn phải làm sao tìm cách chứng minh giá trị tồn tại của mình, tạo giá trị xã hội. Đó cũng là niềm cảm hứng để anh em AhaMove có thể lên công ty mỗi ngày với một tinh thần lạc quan và nhiệt huyết nhất.

Nhà nước đã ban hành định hướng để thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ. Vậy ông có thể cho biết, những doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng như AhaMove hiện nay có gặp những khó khăn gì? Và đề xuất nhà nước hỗ trợ về chính sách như thế nào?

Việc nhà nước ban hành đề án về phát triển kinh tế chia sẻ là tín hiệu tích cực, điều này sẽ góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ như AhaMove phát triển thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý. Cơ chế thử nghiệm chính sách mới (như chính sách sandbox) cũng sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo mới, thay vì e ngại dè chừng như trước đây.

Chúng tôi hi vọng nhà nước sẽ tiếp tục chủ động và hoàn thiện hơn nữa các dự án trọng điểm liên quan như: Cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, Bản đồ số Việt Nam, Chính phủ điện tử… để có thể giúp các doanh nghiệp như AhaMove tối ưu thêm chi phí, giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Tiến đến hình thành một cầu nối hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp, để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tháng 10/2019, GHN và AhaMove xác nhận gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Temasek (Singapore). Giá trị thương vụ không được công bố chính thức nhưng nguồn tin của DealstreetAsia cho biết có giá trị 100 triệu USD. Ông Lương Duy Hoài, Nhà sáng lập kiêm CEO GHN cho biết công ty sẽ mở rộng phạm vi và chất lượng dịch vụ toàn quốc thông qua việc nâng cao hạ tầng, đội ngũ nhân sự công nghệ và đầu tư các hệ thống phân loại hàng tự động. Hệ thống đầu tiên đã ra mắt ở Hà Nội vào tháng 8/2019 và tháng 11/2019 đưa vào hoạt động hệ thống thứ hai, với năng suất 40.000 đơn hàng một giờ.

Thành lập từ tháng 7/2012, Giao Hàng Nhanh (GHN) vận chuyển hàng hóa cho các đối tác thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki cùng hơn 100.000 khách hàng vừa và nhỏ tại Việt Nam. Từ năm 2018, GHN cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng lớn bằng xe tải và dịch vụ kho bãi và hoàn thành đơn hàng (fulfillment) cho các doanh nghiệp B2B bán đa kênh.

AhaMove là ứng dụng giao hàng theo nhu cầu (on-demand) ra đời năm 2015. Nền tảng này đang có gần 100.000 tài xế, hoạt động tại Hà Nội và TP HCM. Thành lập vào năm 1974, Temasek là công ty đầu tư có giá trị danh mục đầu tư ròng khoảng 313 tỷ đôla Singapore (231 tỷ USD) tính đến 31/3/2019.

Temasek có trụ sở chính tại Singapore, đặt cơ sở tại Châu Á và có 11 văn phòng trên thế giới.

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm