Thừa Thiên Huế: Ứng dụng CNTT để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Thừa Thiên Huế: Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 4.0 / Sao Khuê 2020: Giải pháp của Trung tâm IOC Thừa Thiên Huế được vinh danh
Đổi mới từ những cuộc họp không giấy
Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng CNTT, xem đây là nền tảng cơ bản để phát triển chính quyền điện tử.
Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đi đầu trong việc thực hiện tin học hoá gắn liền với CCHC và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc.
Hiện tất cả hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức được quản lý bằng các phần mềm ứng dụng. 100% công việc được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng theo quy trình khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, trình xin ý kiến, ký và phát hành văn bản, sử dụng chữ ký điện tử để giảm tỷ lệ phát hành văn bản giấy.
Đầu năm 2020, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh triển khai áp dụng “Phòng họp không giấy - eCabinet”. Với eCabinet, trước các cuộc họp của UBND tỉnh, nội dung chương trình và các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và được chuyển đến các đại biểu nghiên cứu trước. Các câu hỏi, ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng thảo luận và rút ngắn thời gian cuộc họp. Đây là phương thức làm việc mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để có được một mô hình ứng dụng CNTT mang tính toàn diện này, đơn vị đã phải trải qua một quá trình dài từ đổi mới tư duy, nhận thức đến phương thức điều hành, quản lý công việc của lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức cơ quan. Quá trình này tương ứng với từng giai đoạn cụ thể mà trước hết là hình thành và nâng cao nhận thức “Tin học hoá phải gắn liền với CCHC và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc”.
“Xây dựng nhận thức tin học hoá không có nghĩa là cán bộ tin học sẽ làm thay cho cán bộ hành chính và lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa; tạo thói quen sử dụng máy tính; ứng dụng các phần mềm phải được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới phong cách hành chính. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính là những người đi đầu trong ứng dụng CNTT vào xử lý công việc. Nếu lãnh đạo làm được, nhất định cấp dưới phải làm được và làm nghiêm túc, hiệu quả”, bà Hoài Trâm chia sẻ thêm.
Từ đó, những công việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Văn phòng, trưởng các phòng, của mỗi cá nhân đều được chuẩn hóa bằng các quy trình nghiệp vụ theo hướng áp dụng các chuẩn mực của hệ thống quản lý chất lượng ISO; đảm bảo mỗi công việc có 3 chế tài: Người thực hiện, thời gian thực hiện và sản phẩm.
“Thông qua những công đoạn được quy định cụ thể trong mỗi quy trình giải quyết công việc, công cụ tin học sẽ giúp cho người lãnh đạo cũng như cán bộ công chức quản lý nắm bắt được thông tin xử lý công việc được giao, việc cập nhật các thông tin này được xử lý nhanh, đồng bộ và chính xác”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Thị Hoài Trâm khẳng định.
Ứng dụng CNTT để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Đến nay, việc tổ chức triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung của tỉnh Thừa Thiên Huế có sự tham gia của 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% bộ phận một cửa của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý một cửa tập trung; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng...
Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được công bố, năm 2019, Thừa Thiên Huế là địa phương dẫn đầu toàn quốc về ứng dụng CNTT, trong đó chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Ứng dụng CNTT tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, đây là kết quả này nằm trong kế hoạch, định hướng, và là sự cố gắng nổ lực của tỉnh trong một thời gian dài. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng để phát triển chính quyền điện tử, nó không chỉ giúp cho công việc được vận hành tốt hơn, mà còn góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn; tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công việc, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
“Thông qua đây tỉnh Thừa Thiên Huế muốn xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng CNTT, hướng tới môi trường “Làm việc không giấy tờ; họp hành không tập trung; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt””, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ xây dựng phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh; triển khai hệ thống hạ tầng mạng công cộng (Wifi công cộng) phục vụ cho người dân, doanh nghiệp kết nối thông tin trên môi trường Internet. Tích hợp các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn bộ trong 3 hệ thống thông tin bao gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin tương tác.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh. Tập trung triển khai hạ tầng và các dịch vụ Đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái trong 5 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Môi trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo