Chuyển đổi số

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Trong kỷ nguyên số, học sinh cần thành thạo tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ CNTT

DNVN – Trong buổi nói chuyện với học sinh các trường THPT về định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, sống trong kỷ nguyên số, mỗi học sinh cần phải nắm chắc và thành thạo 3 ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ CNTT để giao tiếp với máy móc, hòa nhập với thế giới.

Thừa Thiên Huế: Ứng dụng CNTT khuyến khích sử dụng các dịch vụ trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 4.0

Đến năm 2025, Huế sẽ có 10.000 lao động CNTT
Ngày 06/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có buổi gặp mặt học sinh các trường THPT về định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT). Cùng tham dự còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định; Lãnh đạo các sở ban ngành; Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành CNTT; Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh.
Hơn 500 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh về định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Hơn 500 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh về định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Đặt vấn đề tại buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây là lần đầu tiên chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường Đại học trên địa bàn, tổ chức gặp mặt hơn 500 học sinh khối lớp 11 và 12 thuộc các trường THPT trong tỉnh có nhu cầu, đam mê thi vào các trường có đào tạo lĩnh vực CNTT.
Hy vọng những thông điệp, thông tin các em tiếp thu được tại hội nghị này sẽ được lan tỏa cho các bạn, định hướng đúng ngành nghề các em lựa chọn và theo đuổi. Đồng thời sẽ giải đáp các vướng mắc, định hướng về cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho các em trong lĩnh vực CNTT.
“Tất cả chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT, nhu cầu về ngành CNTT là rất lớn, vì vậy cần phải có kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để CNTT thật sự đột phá đòi hỏi cần phải có sự thay đổi về tư duy và nhận thức, thay đổi về cách nhìn, cách định hướng nghề nghiệp, cũng như cách đầu tư cho ngành CNTT”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT phục vụ phát triển Công nghiệp phần mềm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT phục vụ phát triển Công nghiệp phần mềm.

Ông Thọ cũng cho biết, để đáp ứng sự phát triển của ngành CNTT, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh với mục tiêu đến hết năm 2020, đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT phục vụ phát triển Công nghiệp phần mềm. Cùng với đó, sẽ xây dựng và thực hiện được giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài.
Cam kết chất lượng đào tạo và nhu cầu việc làm
Tại buổi gặp mặt, hơn 500 học sinh THPT đã được nghe đại diện các trường Đại học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT định hướng về phát triển ngành CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT, đồng thời được đặt những câu hỏi trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan về những vấn đề các em quan tâm.
Nhiều câu hỏi của học sinh được gửi đến lãnh đạo tỉnh, các trường Đại học và các banh ngành liên quan.

Nhiều câu hỏi của học sinh được gửi đến lãnh đạo tỉnh, các trường Đại học và các banh ngành liên quan.

Đã có hơn 100 lượt câu hỏi trực tiếp và qua hệ thống tin nhắn liên quan đến các nội dung, như: Tỷ lệ sinh viên học CNTT có việc làm sau khi ra trường như thế nào? UBND tỉnh có chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư vào Huế và đảm bảo đầu ra cho sinh viên?... Thực hành và lý thuyết trong trường học còn hạn chế, vậy có các biện nào để học sinh có thể ứng dụng CNTT sau khi tốt nghiệp đại học? Khi chọn trường đại học CNTT ở Huế, nhiều học sinh băn khoăn khi ra trường xin việc sẽ khó khăn hoặc chế độ đãi ngộ bằng các tỉnh khác.
Trả lời những câu hỏi cho các em, đại diện các trường Đại học và doanh nghiệp đều cho rằng, hiện nay nhu cầu về ngành IT ở Huế khá cao, gần như sinh viên ra trường là có cơ hội việc làm ngay.
Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Bảo Hùng định hướng cho học sinh về sự phát triển của ngành CNTT.

Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Bảo Hùng trao đổi và định hướng cho học sinh về sự phát triển của ngành CNTT.

Với việc tỉnh đang thực hiện kế hoạch kêu gọi đầu tư về CNTT, thúc đẩy phát triển CNTT một cách mạnh mẽ, đưa CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương nên nhu cầu hình thành đội ngũ lao động CNTT là cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường đều cam kết sẽ đổi mới phương pháp dạy và học để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra ổn định.
Thay mặt chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọ Thọ khẳng định, Huế là nơi đủ điều kiện để trở thành trung tâm phát triển và đào tạo IT tại Việt Nam. Nhu cầu, định hướng là rất rõ, điều kiện hình thành một nền CNTT là hiện hữu, vấn đề đặt ra là đội ngũ nhân lực và con người.
“Trong kỷ nguyên số, mỗi học sinh phải nắm chắc và thành thạo 3 ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ CNTT để giao tiếp với máy móc, hòa nhập với thế giới. Vì vậy, cùng với việc nỗ lực của các đơn vị đào tạo, bản thân các em học sinh phải nỗ lực để có vốn kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghề nghiệp”, ông Thọ kêu gọi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định CNTT là ngành đột phá của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định CNTT là ngành đột phá của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế cũng cho biết, tỉnh đã làm việc với các trường đại học trên địa bàn tỉnh để có những học bổng, hỗ trợ nhất định đối với các sinh viên trong ngành CNTT có hoàn cảnh khó khăn; tỉnh cũng ưu tiên, tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan CNTT đến đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh, tăng cơ hội tạo việc làm cho các em sau khi ra trường.
“Tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tốt công tác phân tích, đánh giá, tổng hợp số liệu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT làm tiền đề cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh giai đoạn tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả”, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm