Chuyển đổi số cần có người đứng đầu "máu lửa"
DNVN - Hai vấn đề mà các doanh nghiệp cũng như các tổ chức hiện nay đang băn khoăn trong chuyển đổi số (CĐS) là họ có tự làm được để thành công hay không và có quá tốn kém không? Có ý kiến cho rằng, khi người đứng đầu tổ chức hay doanh nghiệp "máu" thì tiến trình CĐS chắc chắn sẽ thành công.
Gia hạn đăng ký tham dự hội nghị và giải thưởng openbusinesscouncil / GovTech: Tương lai của nền kinh tế tuần hoàn
Chuyển đổi số, kinh tế số hiện là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của CMCN 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình CĐS, thúc đẩy nhanh CĐS. Theo dự báo của giới chuyên gia, CĐS và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.
Tại Diễn đàn "Kinh tế số & Thương mại điện tử" do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 15/4, vấn đề CĐS trong tổ chức và DN được nhiều diễn giả cũng như khách mời quan tâm. Các diễn giả đã đưa ra quan điểm trước những băn khoăn của vị khách mời - PGS.TS Lê Phước Minh rằng: Các tổ chức và DN có tự thực hiện CĐS thành công được không hay phải mời các chuyên gia, và tiến trình này có quá tốn kém hay không?
Giải đáp câu hỏi "Tổ chức, DN có tự thực hiện CĐS thành công hay không?", TS. Võ Trí Thành cho biết, có 2 cách để thực hiện CĐS. Trong đó, cách 1 là tự mình. Tự mình có thể là chuyên gia trong nước; tự mình có thể là địa phương ấy, DN ấy, cơ quan ấy, có thể thuê chuyên gia trong nước. Cách thứ hai là thuê chuyên gia nước ngoài.
TS. Võ Trí Thành.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành có 2 điểm rất quan trọng trong việc thuê chuyên gia. Thứ nhất, trong bất cứ trường hợp nào cần có phản biện chuyên gia, cần những người trải nghiệm hiểu biết thực tiễn trong nước phản biện đề án này. Chuyên gia nước ngoài có thể rất giỏi, họ có nền tảng rất tốt nhưng họ có thể chưa hiểu thực tiễn cũng như thể chế Việt Nam. Đây là điều đáng lưu ý. Thứ hai, những người làm với tổ chức, với DN; hay những người làm công tác hỗ trợ, tư vấn họ phải có kết nối tốt với những DN, tập đoàn, với những con người làm thật.
"Kinh nghiệm cho thấy, đặc biệt trong lĩnh vực CĐS hoặc làm quy hoạch cac dự án, nếu các DN không nhảy vào cùng thì rất khó triển khai được quyết liệt và thành bại cũng từ đó. Tuy nhiên, ở đây lại có hai vấn đề trong cách làm ở các tỉnh địa phương và các DN lớn. Một là vấn đề truyền thông. Khi có DN vào mà truyền thông thiếu sự đàng hoàng và minh bạch thì sẽ thui chột cạnh tranh. Hai là những DN ấy họ không chỉ chi tiền của mà còn gắn vào xây dựng ý tưởng và chiến lược. Kinh nghiệm ở Đài Loan cho thấy rất thành công trong việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Áp dụng AI để tạo sự chuyển biến, tối ưu hóa, thuận lợi hóa các quy trình, cách thức vận hành, quản lý của SME," TS. Võ Trí Thành nêu.
Trong khi đó, GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho rằng, các tổ chức hay DN có thể tự thực hiện CĐS ở những mức độ khác nhau và thực tế có cả thất bại lẫn thành công.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo.
"Theo tôi, chúng ta có thể làm được, tất nhiên là còn tùy từng tổ chức lớn hay bé. Khi có sự thay đổi của môi trường thì mình có thay đổi theo hay không, có làm được hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo "máu" thì mức độ thành công cao hơn. Ngược lại, nếu lãnh đạo, thậm chí là các bộ, ngành mà làm đối phó với Chính phủ thì rất khó thành công. Câu trả lời tổng quát của tôi là tùy nhưng đều có thể làm được và ở mức độ khác nhau", ông Hồ Tú Bảo chia sẻ.
Vị giáo sư này cho biết thêm, trên thực tế, các chuyên gia rất hay nhấn mạnh đến yếu tố chính chủ. Có nghĩa là thay đổi ở đâu thì người ở đấy phải tự nghĩ ra cái đích, đặt ra mục tiêu của mình. Đầu tiên là phải chính chủ. Chỗ nào mà không thực sự do chính mình làm thì rất khó thành công. Chẳng hạn với du lịch Lào Cai, thì Giám đốc Sở Du lịch phải nghĩ cách thay đổi như thế nào để du lịch tỉnh nhà phát triển.
Với câu hỏi "CĐS có tốn quá nhiều tiền hay không?", TS. Võ Trí Thành cho biết, người ta thường nghĩ CĐS hay ở mức thấp hơn là số hóa cần rất nhiều tiền. Đây là một ý nghĩ không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, điều đó cho thấy không nhất thiết phải là những DN, tập đoàn lớn mới có thể CĐS thành công.
"Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều DN đã bóp ngắn cắn dài. Trên phương diện sản phẩm theo nghĩa rộng là kỹ năng lao động tức là chất lượng nguồn nhân lực, phương thức quản lý và cách thức sản xuất kinh doanh thì vấn đề anh lựa chọn cái gì làm trước, làm sau là rất quan trọng", TS. Võ Trí Thành nói.
Trên thực tế, CĐS tại nhiều DN theo quan sát của TS. Võ Trí Thành, bước đầu CĐS DN làm là sản phẩm. Lý do là tạo ra thị phần, doanh thu và từ đó họ dùng tiền đó đầu tư tiếp vào quá trình CĐS. Đây là cách bóp ngắn cắn dài, CĐS phải rất gắn với chiến lược thực của DN. Ngoài ra, tổ chức hay DN hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ trước, nhưng là việc nhỏ thiết thực, có hiệu ứng lan tỏa tốt, chứ không phải DN, tổ chức làm tất cả.
Về vấn đề này, GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho rằng CĐS không "ngốn" quá nhiều tiền mà ở đây chính là đầu tư cho sự phát triển.
"Nếu nghĩ đường dài để đầu tư và đi từng bước thì câu chuyện này hơi phức tạp. Nhưng chúng tôi có thể khẳng định sự thay đổi khi đi trên đường dài, và chi một khoản để đầu tư cho một tổ chức thì tôi nghĩ không là quá lớn, tuy nhiên cũng sẽ tùy từng mức độ. Chúng ta có tiền như thế nào thì chúng ta cũng có thể vận dụng thay đổi trong nguồn tài chính của mình có", ông Hồ Tú Bảo chia sẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo