Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khoa học công nghệ cần phải có những đột phá mới
Việt Nam còn trải qua nhiều chông gai mới có hình hài ngân hàng số / Mô hình tương lai của kinh tế số dựa trên nền tảng 5G và hạ tầng băng thông rộng
Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học, công nghệ trong thời gian tới vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ động, trực tiếp tham gia tư vấn, xây dựng chính sách cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
“Để đất nước phát triển nhanh hơn, bứt lên được, thì không có cách nào khác là phải có những đột phá mới để KHCN trở thành sức mạnh, động lực thực sự”, Phó Thủ tướng nói.
Cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ KH&CN phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc từ nhiều năm nay và “càng về sau càng khó”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, KHCN cần phải có những đột phá mới để KHCN thực sự là sức mạnh, là động lực cho sự phát triển.
Cùng với đó, Bộ KH&CN cần dựa trên nghiên cứu xu thế KHCN thế giới, tìm ra những cái mới để kiến nghị. Phó Thủ tướng nêu ví dụ, khi nói về cách mạng công nghiệp 4.0 thì có một số công nghệ ưu tiên cần tập trung như công nghệ về sức khỏe, trí thông minh nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng… thì Bộ KH&CN phải kiến nghị chi tiết hơn, xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam.
Bộ KH&CN phải xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở KHCN của Việt Nam trong thời kỳ mới bao gồm hai viện hàn lâm, các viện nghiên cứu trực thuộc bộ ngành, cần đặc biệt lưu ý đến các trường, đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc DN. Từ đó xác định nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung vào đâu, mức độ đến đâu, từ ra đề bài nghiên cứu, hỗ trợ về cơ chế tài chính, chính sách đến khuyến khích động viên DN đầu tư cho KHCN.
Bộ KH&CN cũng phải rà lại toàn bộ, quản lý thống nhất các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KHCN ở tất cả cấp độ, phân bổ nguồn lực dành cho KHCN hiệu quả.
“Bộ KH&CN làm đầu mối xác định sản phẩm trọng điểm quốc gia thuộc mọi ngành nghề, không nhất thiết phải do Bộ bảo trợ, hỗ trợ vốn nhưng phải là sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, công nghệ của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý vốn ngân sách nhà nước dành cho KHCN theo tinh thần quản lý thống nhất, liên thông, ứng dụng công nghệ, minh bạch, công khai để khắc phục những bất cập, vướng mắc trước đây.
“Chúng ta quản lý thống nhất tất cả yêu cầu, nhiệm vụ KHCN ở tất cả các cấp, nguồn lực (bao gồm tài chính và lực lượng KHCN) để lựa chọn những người làm hiệu quả nhất để giao đề tài, nhiệm vụ. Dần tiến tới nhiệm vụ KHCN không chỉ dành riêng cho đơn vị nghiên cứu của từng bộ ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm KHCN để tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng “chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học” thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát. Đi kèm với đó là công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát (hay còn gọi là giám sát ngang hàng).
Để DN thực sự là trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính để hướng dẫn cơ chế hạch toán tài chính đối với những DN đầu tư vào KHCN, đào tạo hướng theo chuẩn quốc tế.
Về những khó khăn của DN đổi mới sáng tạo (Start-up), Phó Thủ tướng cho rằng phải làm sao tạo sự cộng hưởng của hệ thống khởi nghiệp sáng tạo và trung tâm đổi mới sáng tạo, muốn vậy điều cần thiết nhất là sửa bằng được các quy định tham gia thị trường cho DN start-up.
Phó Thủ tướng trăn trở: Các đồng chí phải nhìn thẳng vào sự thật làm sao để các sở KHCN “bận rộn” hơn, đây chính là nhiệm vụ nặng nề của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Các đồng chí phải đưa được KHCN về đến địa phương. Đây là câu chuyện cực kỳ quan trọng. Bộ KH&CN cần có hướng dẫn rất cụ thể, theo đó Sở KH&CN giúp tỉnh nêu yêu cầu, đầu bài, Bộ KH&CN tập hợp thành các nhóm nhiệm vụ KHCN, công khai để đội ngũ KHCN đều được tiếp cận để thực hiện. Có như vậy vai trò của các Sở KHCN mới lên.
Bộ KH&CN cũng cần có những đầu bài lớn, công nghệ lõi, dự án lớn về khoa học cơ bản “đặt hàng” hai viện hàn lâm; phối hợp với hai đại học quốc gia, các đại học lớn để thực hiện các sản phẩm, công nghệ trọng điểm quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo