Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics: Công nghệ chỉ là phương tiện, quan trọng ở cách làm

DNVN - Từ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số (CĐS) thành công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinafco cho rằng, doanh nghiệp (DN) logistics cần giải quyết được bài toán các quy trình phục vụ thuận tiện cho ứng dụng công nghệ thì tiến trình CĐS hiệu quả. Chỉ khi xác định được ai làm gì và làm như thế nào thì mới ứng dụng công nghệ.

Ngày 9/10, trao giải thưởng chuyển đổi số cho 49 doanh nghiệp, tổ chức / Nền tảng công nghệ "Make in Vietnam" ra mắt bộ giải pháp chuyển đổi số

Nhiều áp lực

Tại hội thảo khoa học "Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành logistics - Đào tạo và thực tiễn"do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức và Học viện Ngân hàng cùng Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh đăng cai, bà Vũ Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Kinh doanh miền Bắc Công ty CP Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết: Các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics hiện nay thiếu đội ngũ có năng lực vận hành, khó khăn trong việc phân tích dữ liệu hỗ trợ đưa ra quyết định. Khả năng đáp ứng với thay đổi chưa kịp thời; khả năng tối ưu vận hành bằng các giải pháp linh hoạt còn hạn chế; khả năng truy vết, kiểm soát shelf-life, tình trạng hàng hóa còn thấp.

Thêm vào đó là thiếu tính kiểm soát, thông tin và cái nhìn toàn chuỗi ở tất cả cấp độ. Trong khi đó, các DN còn đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

Các DN phải đối mặt với 4 thách thức chủ yếu gồm tối ưu chi phí, kiểm soát rủi ro, tăng chất lượng dịch vụ, linh hoạt với thay đổi.

Trong đó, mỗi DN lại có những khó khăn đặc thù. Cụ thể, về vận hành, DN áp lực trong việc cung cấp nguyên vật liệu đầy đủ và chính xác cho dây chuyền sản xuất. Khó khăn tìm kiếm nguyên vật liệu với cách lưu trữ thủ công cho nhiều sản phẩm mã hàng. DN cũng có thể gặp áp lực vận tải giao nhanh, đủ hàng cho nhà phân phối; hay áp lực kiểm soát sự cố, áp lực quản lý nhiều chủ cửa hàng và nhiều mặt hàng khác nhau.

Về quản lý, DN gặp khó khăn trong tìm phương án tối ưu, "đau đầu" quản lý đội xe và chi phí cũng như quản lý khiếu nại và phàn nàn của khách hàng khiến DN mất thời gian...

Gặp khó khi chuyển đổi số

Dẫn nghiên cứu của Gartner, bà Huyền chia sẻ, tất cả những công ty dẫn đầu chuỗi cung ứng nhận thức rõ rằng công nghệ chính là lợi thế và sức mạnh cạnh tranh.

Báo cáo Logistics năm 2020 của Bộ Công Thương cho thấy, 20 - 29% DN Việt Nam kỳ vọng được chuyển mình để thay đổi nền tảng logistics bằng việc ứng dụng CNTT.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Vinafco cho rằng, các DN logistics vẫn nhìn nhận dứng dụng CNTT là một trong những thách thức chính. Cụ thể là thách thức về tự do cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, ứng dụng CNTT và thương mại điện tử, nguồn nhân lực.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics.

Theo khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) về những khó khăn DN gặp phải khi ứng dụng CĐS, 42,1% DN gặp khó về nhân lực, gần 40% DN chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp. Gần 45% DN cho biết khó khăn về sự tương thích giữa DN của mình và các đối tác trong chuỗi. Trong khi đó, gần 29% DN cho biết không biết đầu tư bao nhiêu và bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ đang là xu hướng nổi bật của thị trường logistics Việt Nam trong bối cảnh việc ứng dụng công nghệ 4.0, mua sắm trực tuyến, hoạt động mua bán - sáp nhập, đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh đang phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trên thực tế các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp. Ứng dụng CNTT hiện tại chủ yếu tập trung vào các phần mềm nghiệp vụ cơ bản.

Khảo sát của VLI năm 2021 cho thấy, 75% doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống quản lý giao nhận. Với hệ thống quản lý đơn đặt hàng, quản lý kho bãi và quản lý vận tải lần lượt ở mức 63,9%, 63,9% và 61,1%.

Trong khi đó, tỷ lệ này với hệ thống định tuyến, hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động và xe lấy hàng tự động ở mức rất thấp, lần lượt là 19,4% 16,7% và 11,1%.

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ

Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại DN, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Vinafco cho biết, Vinafco đã tiến hành CĐS từ năm 2009 với việc áp dụng một số phần mềm và hoàn thiện dần trong 13 năm qua.

"Đúc rút then chốt mà chúng tôi nhìn thấy để DN có thể bắt tay vào quá trình CĐS là 3 yếu tố: ý chí lãnh đạo, quy trình và người dùng", bà Phạm Thị Lan Hương chia sẻ.

CĐS cần mức độ quan tâm sâu sát của lãnh đạo, nhưng quan trọng là người lãnh đạo phải muốn thay đổi cách làm. Điểm thứ 2 có quyết định trọng yếu là quy trình. Công nghệ và phần mềm chỉ là phương tiện, quan trọng nhất là cách làm sẽ khác như thế nào.

Công nghệ chỉ là phương tiện, quan trọng là cách làm.

"Chừng nào không giải quyết được bài toán các quy trình phục vụ thuận tiện cho ứng dụng công nghệ thì không thể CĐS thành công. Bởi vì khi đưa công nghệ vào thì quy trình phải thay đổi. Bản thân quy trình áp dụng công nghệ thường phải được thiết kế rất gãy góc, từng bước rạch ròi, rõ ràng. Khi chỉ xác định được ai làm gì và làm như thế nào thì chúng ta mới ứng dụng công nghệ. Còn nếu chúng ta tiếp cận bài toán quy trình bằng cách mô tả chung chung thì chắc chắn sẽ thất bại khi muốn phân tích nghiệp vụ để đưa phần mềm vào", bà Phạm Thị Lan Hương khuyến nghị.

Và yếu tố cuối cùng là người dùng. Ở đây người dùng đóng vai trò trọng yếu. Tất cả những bộ phận trong DN sẽ đóng vai là người sử dụng ứng dụng đó và họ phải chỉ ra được ở góc độ người dùng họ cần cái gì.

Chính vì cách tiếp cận này, Vinafco đã thay đổi một cách rất quan trọng là thay đổi tuyển dụng vị trí Trưởng phòng CNTT. Trước đây, Vinafco tập trung rất nhiều vào năng lực viết code và năng lực về công nghệ nhưng khi đưa ra hướng tiếp cận về góc độ người dùng thì công ty tuyển vị trí Trưởng phòng CNTT là người có năng lực triển khai và hiểu được rằng công nghệ ứng dụng vào DN được dịch ra như thế nào? Đây là trọng yếu làm thay đổi hướng tiếp cận khi DN áp dụng CNTT.

Với góc nhìn này, bà Hương cho rằng, các DN logistics nên thiết kế phần mềm cho 2 mảng. Mảng quản trị có thể dùng những phần mềm quản trị hoạt động nhân sự, tài chính kế toán, thông tin và thông tin nội bộ. Trong khi đó, mảng nghiệp vụ có 3 phầm mềm DN bắt buộc phải có, đó là phần mềm quản lý vận tải, phần mềm quản lý kho và phần mềm quản lý đơn hàng.

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh doanh miền Bắc Công ty CP Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog gợi ý, các DN có thể dùng hệ sinh thái giải pháp logistics để số hóa, tự động hóa, tối ưu hóa từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng. Qua đó dần thay đổi cách thức vận hành logistics theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; khách hàng nâng cao được hiệu quả vận hành và cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ logistics.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm