Chuyển đổi số

Cơ chế một cửa ASEAN: Hải quan tiết kiệm 5,8 triệu USD chi phí chuyển phát nhanh cho DN

DNVN - Tính đến ngày 12/6/2020, Việt Nam đã gửi đi các nước ASEAN 384.365 C/O điện tử. Tính trung bình chi phí chuyển phát nhanh quốc tế (nếu sử dụng C/O giấy) thì sẽ mất khoảng 15 USD cho mỗi C/O giấy gửi đi nước ngoài. Từ năm 2018 đến nay qua Cơ chế một cửa ASEAN, đã tiết kiệm được khoảng 5,7 triệu USD chi phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp.

Hải quan điện tử đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Hải quan điện tử đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các hoạt động quản lý của Hải quan Việt Nam đã được định hướng theo các chuẩn mực hải quan hiện đại ở phạm vi khu vực và thế giới nhằm tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo vệ cộng đồng. Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi phương pháp quản lý hải quan, giải quyết thách thức về sự gia tăng nhanh chóng của khối lượng công việc so với năng lực thực tiễn, lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, đảm bảo sự phát triển chung của toàn Ngành.

Áp dụng hệ thống thông quan tự động tiên tiến hàng đầu thế giới cùng với phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Không tiến hành theo cách thông thường là khảo sát, xây dựng hệ thống CNTT trên nền các quy định, quy trình hiện tại, Tổng cục Hải quan với sự giúp đỡ của Nhật Bản đã đưa vào vận hành hệ thống thông quan tự động tiên tiến hàng đầu thế giới (VNACCS/VCIS) đồng bộ với sửa đổi Luật Hải quan năm 2014 để áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS ở mức độ rất cao tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1-3 giây.

Hơn 98% thuế, phí, lệ phí với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến.

Từ năm 2009, ngành Hải quan đã thực hiện thu thuế, phí, lệ phí bằng phương thức điện tử với cách thức được hoàn thiện dần theo thời gian. Năm 2014, TCHQ triển khai công tác phối hợp thu với 11 Ngân hàng thương mại (NHTM). Tiếp đó, đã triển khai Đề án Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, là hình thức nộp tiền thuế và các khoản phải nộp khác qua ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan thông qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan. Năm 2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án Chương trình nộp thuế điện tử Doanh nghiệp nhờ thu được Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng trên nền tảng Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính. Hiện đã có 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, 29 ngân hàng triển khai kết nối 24/7, 6 ngân hàng triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu.

Không chỉ phục vụ cho cơ quan Hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống thu thuế điện tử còn phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đơn cử: Từ ngày 6/01/2020, UBND TP Hải Phòng đã thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan 24/7. Hiện có 04 ngân hàng phối hợp thu hộ phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển cho Hải Phòng. Trong tương lai, hệ thống này sẽ phục vụ thanh toán bằng phương thức điện tử không chỉ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (B2G) mà còn cả thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Thực hiện kết nối trao đổi, xử lý với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi để giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Theo phương thức quản lý truyền thống, hàng hóa nhập khẩu để ra khỏi nơi lưu giữ hàng hóa phải được sự cho phép của cả doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan. Với sự đưa vào vận hành hệ thống giám sát hải quan tự động VASSCM, thông tin thông quan hàng hóa đã được kết nối, xử lý giữa cơ quan Hải quan và các bên liên quan, góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản, giảm tiếp xúc giữa Hải quan và doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu chỉ cần thực hiện thủ tục với doanh nghiệp kinh doanh cảng để đưa hàng hóa đã được thông quan vào nội địa.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, góp phần tích cực vào công tác cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính, từ ngày 01/3/2017, Tổng cục Hải quan chính thức triển khai Hệ thống DVCTT. Đến nay gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp DVCTT mức độ 3,4, trong đó 100% các thủ tục cốt lõi của ngành Hải quan đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4. Hơn 98% số thủ tục hành chính của ngành Hải quan trong tổng số 192 thủ tục được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Chủ trì thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều cải cách đáng ghi nhận, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19,1% năm 2019; cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN…

Hiện nay, để tiếp tục cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa...).

Là cơ quan chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, thực hiện nhiều cam kết quốc tế.

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Tính đến ngày 30/5/2020 đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối; 198 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 3,104 triệu bộ hồ sơ và trên 38,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Là cơ quan chủ trì, Tổng cục Hải quan đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Năm 2015, Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử, sánh ngang các nước tiên tiến trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin.

Tính đến ngày 12/6/2020, Việt Nam đã gửi đi các nước ASEAN 384.365 C/O điện tử. Tính trung bình chi phí chuyển phát nhanh quốc tế (nếu sử dụng C/O giấy) thì sẽ mất khoảng 15 USD cho mỗi C/O giấy gửi đi nước ngoài thì với số lượng C/O điện tử gửi đi từ năm 2018 đến nay qua Cơ chế một cửa ASEAN, đã tiết kiệm được khoảng 5,7 triệu USD chi phí chuyển phát nhanh cho các doanh nghiệp.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo