Chuyển đổi số

Dạy học Online: Bi hài với những tình huống “khó đỡ” trong lớp học trực tuyến

DNVN - Đang trong lớp học trực tuyến thì bị “văng” tài khoản ra khỏi lớp. Học sinh ăn gian trong nhiệm vụ làm bài tập online ở nhà để đạt điểm cao. Vừa học trực tuyến ở nhà vừa trông em, sinh viên quên tắt micro khiến thầy và cả lớp cùng “nghe chửi”. Đó là những pha “khó đỡ” khi cả nước thực hiện việc dạy và học trực tuyến trong một tháng qua.

Covid-19: Điểm danh một số giải pháp giúp doanh nghiệp làm việc từ xa hiệu quả / Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lộ lọt thông tin khi làm việc từ xa

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã dần dần áp dụng hình thức học trực tuyến cho hàng triệu học sinh, sinh viên. Có những địa phương việc dạy học online đã triển khai được hơn 1 tháng, có những địa phương vừa mới bắt đầu triển khai đồng loạt từ 6/4. Tuy nhiên trong quá trình dạy và học trực tuyến mỗi địa phương tuỳ vào điều kiện thực tế lại áp dụng 1 hình thức học khác nhau, nên xảy ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười trong lớp học online.

Tại TP.Hồ Chí Minh, anh Lê Hoài Nam, giáo viên môn Vật Lý của một trường THPT quốc tế chia sẻ: “Hiện trường tôi đã áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến từ tháng 3. Lúc đầu nhà trường có tập huấn cho giáo viên dạy học bằng phương pháp thầy cô ghi hình lại video giảng dạy, sau đó đến tiết học trực tuyến sẽ gửi vào group cho học sinh mở xem, kết thúc môn yêu cầu học sinh chụp lại vở đã ghi chép bài và giao thêm bài tập về nhà. Nhưng sau vài tuần triển khai thấy hình thức chưa đạt hiệu quả cao, nhà trường tiếp tục tập huấn cho giáo viên dạy học trên ClassRoom của Google, nhằm tăng tính tương tác giữa học sinh và giáo viên”.

Anh Nam cho biết thêm, việc dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp “chữa cháy” của ngành giáo dục tại thời điểm hiện tại vì tính tương tác, tập trung và hiệu quả tiếp thu của học sinh không thể nào bằng việc giảng dạy trực tiếp trên lớp.

Kể về những chiêu trò của học sinh để qua mặt thầy giáo, anh Nam cho hay, học sinh có rất nhiều chiêu, ví dụ khi thầy giáo phát bài tập trắc nghiệm về nhà qua Google Forms, lần đầu học sinh làm bài và nộp rất nghiêm túc, nhưng lần sau học sinh phát hiện được “lỗ hổng” Google Forms nên đã tạo tên giả làm bài trước để lấy đáp án điền vào bài làm tên thật nên các bài trong lớp đều đạt điểm tuyệt đối.

Một buổi học trực tuyến trên hệ thống Google Meet.

Tại Hà Nội, 6/4/2020 là ngày đầu tiên học sinh các cấp học qua Internet qua phần mềm Zoom Meetings theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Sau ngày học trực tuyến đầu tiên, đa số các giáo viên và phụ huynh đều phản ánh không tốt về chất lượng dạy và học qua phần mềm này.

Chị Q.P có con học tại trường tiểu học K.Đ, quận Thanh Xuân cho biết, vào buổi học lúc 8h sáng 6/4, lớp đông gần 60 bạn, học bản Zoom miễn phí nên con nào đăng nhập vào lớp sau là bị báo lỗi, hàng chục phụ huynh liên tục chat vào group phụ huynh của lớp: "Cô ơi, sao con không vào được" (trong lúc cô đang giảng bài). Có nhiều bạn học hết nửa tiết mới vào được lớp do bị lỗi đăng nhập, hoặc lỗi vượt quá số lượng. Do là bản miễn phí nên cứ 40 phút thì phần mềm lại tự out ra và phải đăng nhập lại. Tiếng thì lúc được lúc mất, hình thì thỉnh thoảng rung giật. Có những mẹ than cả buổi học 90 phút thì con bị đẩy ra cả chục lần, không thể học được.

"Hài hước nhất là trong lớp học học buổi sáng, khi cô gọi điểm danh còn nghe thấy tiếng có mẹ la om sòm gọi con “ Con ơi dậy mau, cô điểm danh đến tên con này. Cả lớp và phụ huynh đều nghe được, không nín được cười", chị Q.P chia sẻ.

Tại TP Nha Trang, nhiều trường học từ cấp 1 đến cấp 3 đã triển khai hình thức học trực tuyến qua phần mềm Zoom Meetings từ ngày 6/4/2020. Em Trịnh Vân Anh, học sinh lớp 12 của trường THPT H.H.T, TP Nha Trang cho biết: “Ngày đầu học trực tuyến qua ứng dụng Zoom em và các bạn còn khá bỡ ngỡ, một số bạn lúc giờ học còn nói chuyện ồn ào gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu và chép bài. Khi trong lớp truy cập vào đông sẽ có hiện tượng hình ảnh không ổn định, đứt đoạn, có khi trong 1 tiết học em bị “văng” ra khỏi lớp mấy lần. Mong nhà trường sẽ có phương án cải thiện để việc học trực tuyến hiệu quả hơn”.

Tại Lâm Đồng, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh này cho biết hình thức học trực tuyến qua mạng Internet mới được triển khai tại một số trường học tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc. Do địa phương có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, một số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn còn chưa có Internet và nhiều gia đình học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có các thiết bị kết nối như máy tính có kết nối Internet, điện thoại thông minh. Vì vậy việc học qua Internet có thể gặp khó khăn, nhưng học qua truyền hình được triển khai khá hiệu quả vì nơi nào có điện là các phần lớn các hộ gia đình đều có tivi nên việc học qua truyền hình sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.

Một buổi học môn Hình Học lớp 12 trên kênh VTV7.

Em Phạm Thị Tuyền, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng chia sẻ: “Do trường em còn nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa thể trang bị máy tính, điện thoại thông minh nên nhà trường chưa triển khai hình thức học trực tuyến như các trường khác. Bọn em chủ động học theo lịch phát sóng các môn học kênh VTV7, chỗ nào còn khó hiểu thì em xem lại trên Youtube, ngoài ra các thầy cô trong trường cũng giao bài tập qua group trên Facebook, Zalo và kiểm tra định kỳ. Do đã chủ động tự học ở nhà từ sau tết nên bây giờ em học trên tivi không còn gặp nhiều khó khăn như lúc đầu”.

Trong khi đó, hầu hết tất các trường đại học trong cả nước đã triển khai học trực tuyến qua phần mềm Google Meet trong hơn một tháng qua. Việc học của sinh viên cũng được đánh giá là “chuyên nghiệp” hơn khi đa số sinh viên đều thể hiện thái độ tự giác trong việc học cũng như được trang bị các thiết bị máy tính, Laptop, Smartphone kết nối Internet.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hảo, sinh viên năm 3, ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Đà Lạt chia sẻ: “Những ngày đầu học trực tuyến tại nhà em còn gặp khó khăn đăng nhập vào lớp học, các thao tác máy tính như trong lúc thuyết trình bằng Slide trên phần mềm Google Meet, khó tương tác trao đổi với các bạn trong nhóm thuyết trình. Sau rồi quen dần nên mọi chuyện cũng ổn hơn với em”.

Chị Mỹ Hảo chia sẻ về các thao tác học trực truyến trên Google Meet.

Chị Hảo cũng không quên chia sẻ về những tình huống khó đỡ của các bạn sinh viên trong lớp học trực tuyến như, có bạn nữ ngủ trưa gần muộn tiết mới dậy, vội vàng mở Laptop bật Webcam lên học trong cảnh “đầu bù tóc rối” khiến cả lớp cười ồ. Hay có bạn sinh viên vừa học ở nhà vừa được bố mẹ giao nhiệm vụ chăm em, trong lúc mải chép bài, đứa em phá phách làm bạn đó phải hét lên la mắng một hồi mới phát hiện ra mình chưa tắt Micro khiến thầy và cả lớp cùng “nghe chửi”.

Một lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các buổi học trên nền tảng trực tuyến của hàng triệu học sinh, sinh viên khắp cả nước hiện nay không chỉ để "đối phó" với việc nghỉ học vì đại dịch Covid-19. Mà hơn thế, những khó khăn này đang tạo ra cơ hội để thay đổi tư duy dạy và học truyền thống. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, hướng dẫn về dạy học qua Internet, trên truyền hình và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020 để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học.

Bài và ảnh: Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm