Chuyển đổi số

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chíp bán dẫn phục vụ chuyển đổi số

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và trọng yếu quốc gia trong tương lai. Việc phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị internet vạn vật (IoT)...

Đà Nẵng: Quyết liệt xử lý tên miền quảng cáo hoạt động vận chuyển hành khách trái phép / Ứng dụng AI trong nhận diện cá thể loài

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số - thị trường lớn nhất của chip bán dẫn Việt Nam với trên 100 triệu dân.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành đặc thù, do đó, nếu sử dụng các chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt để tháo gỡ cho ngành chip bán dẫn cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn trong thời gian tới.

Theo ông Đàm Bạch Dương, thực tế, các chính sách hiện nay cho ngành chíp bán dẫn nằm rải rác ở nhiều văn bản. Chíp bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia... Hiện, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn; để thực hiện chủ trương thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ, chùm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực này. Thông qua việc nghiên cứu, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam để ngành công nghiệp chíp bán dẫn có thể đi ngắn nhất, nhanh nhất, thành công nhất.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư lớn của các quốc gia phát triển đang sẵn sàng đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn.Ở góc độ Bộ Khoa học và Công nghệ, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chip bán dẫn.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn rất quan trọng. Hiện nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông... Đặc biệt, ngày 23/2, tại Đà Nẵng, Đại học Đông Á đã ký kết hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ sáng tạo Gyeongsan, Đại học Quốc gia Jeju, Đại học Daegu Catholic (Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, robot, công nghệ thông tin-truyền thông (ICT), góp phần tăng trưởng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thời gian tới. Quá trình hợp tác, Việt Nam - Hàn Quốc sẽ hỗ trợ nhau nghiên cứu và phát triển công nghệ, mở ra hướng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các ngành công nghiệp bán dẫn, tạo cơ hội để địa phương đón làn sóng đầu tư trong ngành bán dẫn.

 

Hiện nay, có trên 50 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực chíp bán dẫn, thiết kế vi mạch trong 5 năm tới khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm