Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực chuyển đổi số: Sản xuất, tiêu dùng thông minh
Doanh nhân tư nhân tiên phong áp dụng công nghệ mới, tạo động lực phát triển kinh tế / Chỉ 32% doanh nghiệp nhận thức được giá trị AI mang lại
Nông nghiệp số
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lúa giống; sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy; hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh. Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán ở Đồng Tháp đã mạnh dạn thay đổi, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong canh tác.
Nông dân chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, thực hiện vài thao tác vào hệ thống quan trắc là hiện đầy đủ các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, dự báo khí tượng thủy văn.
Nông dân Đặng Văn Những (Bảy Những, 75 tuổi) - Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh), tay cầm chiếc điện thoại thông minh chia sẻ, chỉ cần truy cập vài thao tác vào hệ thống quan trắc là hiện đầy đủ các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, dự báo khí tượng thủy văn trong ngày tại khu vực xã Tân Thuận Tây. Căn cứ vào các chỉ số đó, nông dân có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động.
“Trước đây mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc cho vườn xoài thì phải nhìn trời, nhìn đất rồi dự đoán có mưa hay không, còn độ ẩm, độ pH rất khó biết được. Nay nhờ hệ thống quan trắc thông minh này đã giúp nông dân rất nhiều trong canh tác và hiệu quả mang lại cao hơn. Hầu hết bà con nơi đây sống bằng nghề trồng xoài rải vụ quanh năm, nhờ đó bà con trong xã ai nấy đều xây nhà tường khang trang, hộ nghèo trong xã hầu như không còn”, ông Bảy Những cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) thông tin, hiện đơn vị đang quản lý gần 1.200ha đất sản xuất lúa 3 vụ/năm, gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực rất tiện lợi. Các sản phẩm của hợp tác xã làm ra như lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn mã QR để minh bạch trong sản xuất, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác.
“Hiện nay, hợp tác xã cũng sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm… Thời gian tới, có định hướng đầu tư mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh để tự động đưa ra cảnh báo và dự báo sâu rầy. Nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã cao gấp nhiều lần so với trước đây”, ông Đời nhận định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng ThápNguyễn Văn Vũ Minh cho biết, địa phương đã ứng dụng công nghệ số vào ngành nông nghiệp với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tỉnh đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai xây dựng thông tin tổng quan, lĩnh vực phát triển nông thôn, nông thôn mới, sản phẩm địa phương đã thực hiện xây dựng dữ liệu về sản phẩm để người dân có thể cập nhật thông tin và theo dõi. Còn lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai cũng đã và đang được xây dựng cơ sở dữ liệu để đảm bảo các biện pháp cảnh báo, phòng chống thiên tai và chủ động trong sản xuất.
Giai đoạn 2, tỉnh căn cứ vào các cơ sở dữ liệu để chủ động nắm được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với giải pháp IoT, Đồng Tháp đã xây dựng dữ liệu về dịch hại cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang triển khai áp dụng vào công tác dự báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất, giúp các địa phương điều hành sản xuất hiệu quả.
Đến giai đoạn 3, Đồng Tháp sẽ kết hợp công nghệ GIS cùng AI để dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại, đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số quốc gia.
Chợ, phố 4.0
Chợ, phố 4.0, hay còn gọi là chợ không tiền mặt là một khái niệm đang dần phổ biến tại Việt Nam, tại ĐBSCL mô hình này thúc đẩy việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử như quét mã QR, chuyển khoản ngân hàng, và ví điện tử thay cho tiền mặt. Việc sử dụng không tiền mặt không chỉ mang lại tiện lợi cho người mua và người bán mà còn giúp tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro liên quan đến việc sử dụng tiền mặt và nâng cao khả năng quản lý tài chính.
Vừa qua, tỉnh An Giang cũng đã tổ chức một số hội chợ không tiền mặt trong các sự kiện như "Ngày hội Thanh toán không tiền mặt". Tại các chợ truyền thống, một số tiểu thương đã bắt đầu áp dụng thanh toán điện tử, giúp việc mua bán nhanh chóng và an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng phát triển.
Nổi tiếng với các sản phẩm nông sản như dừa, tỉnh Bến Tre cũng đã thúc đẩy mô hình chợ không tiền mặt. Người dân và các doanh nghiệp tại Bến Tre đã dần quen với việc sử dụng ví điện tử như MoMo, ZaloPay và các ứng dụng ngân hàng số để giao dịch hàng ngày. Các chương trình thúc đẩy tiêu dùng không tiền mặt tại các chợ truyền thống đang được triển khai, giúp giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt và tạo sự tiện lợi cho cả người mua và người bán.
Về lợi ích trong việc không dùng tiền mặt, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, việc thanh toán không tiền mặt giúp người dân tiết kiệm thời gian, tránh rủi ro mất cắp tiền mặt, và dễ dàng quản lý thu nhập. Hơn nữa, thanh toán qua ứng dụng điện tử còn có thể giúp tiểu thương tăng doanh số khi khách hàng không lo thiếu tiền mặt khi mua hàng. Tuy nhiên, một số khó khăn lớn bao gồm hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Người dân lớn tuổi có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, việc xây dựng lòng tin vào các phương thức thanh toán điện tử cũng cần có thời gian.
Hiện nay, mô hình chợ không tiền mặt ở ĐBSCL đang dần phát triển và có tiềm năng mở rộng trong tương lai khi mà hạ tầng kỹ thuật số và giáo dục công nghệ được cải thiện hơn. Là trung tâm của ĐBSCL, TP Cần Thơ là một trong những nơi đi đầu trong việc triển khai chợ không tiền mặt. Đây là mô hình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP Cần Thơ phối hợp thực hiện, đã tạo thuận lợi cho việc buôn bán của các tiểu thương trên tuyến đường.
Tuyến phố được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP Cần Thơ thực hiện mô hình không tiền mặt, đã tạo thuận lợi cho việc buôn bán của các tiểu thương trên tuyến đường.
Chuyên bán thịt trên đường Đề Thám (quận Ninh Kiều), tiểu thương Nguyễn Thị Dung cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện dụng, người mua không cần mang tiền, chỉ quét mã QR là thanh toán xong. Theo đó, bà cũng không phải loay hoay với việc tìm tiền dư để trả lại cho khách hàng, mua bao nhiêu thì chuyển bấy nhiêu.
Còn chị Thanh Lan, kinh doanh mặt hàng trái cây gần đó cũng phấn khởi cho hay, mỗi tiểu thương được hướng dẫn tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Từ khi triển khai chợ 4.0 đến nay, 100% lượng khách hàng của chị đã sử dụng hình thức này để thanh toán.
Mới đây, tại buổi họp báo của UBND TP Cần Thơ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý III/2024, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện thành phố có 5 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, nhiều cửa hàng tiện ích và nhiều chợ truyền thống. Hiện tại, số người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm ở các trung tâm thương mại được nâng lên 70 - 80%, ở các siêu thị và các chợ trong nội ô thành phố từ 50 - 60%, các chợ vùng nông thôn khoảng 20 - 30%… Đây là kết quả sau hơn 2 năm tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt.
“Sắp tới, Sở Công Thương TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng như ban quản lý các chợ trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các chợ nông thôn; phối hợp với các nhà mạng đầu tư, đồng bộ hạ tầng, đường truyền đảm bảo kỹ thuật, bảo mật cũng như các điều kiện cần thiết để việc thanh toán thuận lợi, không ảnh hưởng đến khách hàng, tiểu thương khi sử dụng dịch vụ”, ông Sơn cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo