Đồng bằng sông Cửu Long xác định doanh nghiệp, người dân là trọng tâm chuyển đổi số
Vinh danh các giải pháp, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc / Dùng thẻ căn cước công dân gắn chip để xác thực ký kết hợp đồng điện tử
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang và Công ty Bưu chính Viễn thông An Giang ký kết thỏa thuận hợp tác Chuyển đổi số, giai đoạn 2022 - 2025.
3 trụ cột chính hướng đến lợi ích người dân
Đồng Tháp xác định “Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2002” cũng là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Để hưởng ứng sự kiện trên, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Ngày chuyển đổi số và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Còn tại Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát động chương trình hưởng ứng với chủ đề "Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đối số, phát triển kinh tế số, xã hội số".
Tại sự kiện, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, kết quả tích cực bước đầu của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thể hiện ở 6 điểm nổi bật, gồm: Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã chuyển biến tích cực.
“Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng; bước đầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân”, ông Thanh nói.
Cùng với nhiều địa phương trong vùng, chiều 10/10, tỉnh Cà Mau tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022”. Sự kiện này, khởi đầu cho một chuỗi hành động của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Theo đó, các hoạt động tập trung nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng các kỹ năng số vào các hoạt động của đời sống hằng ngày như: Dịch vụ công trực tuyến; mua bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; đặt lịch khám, chữa bệnh từ xa…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, năm 2022, hiện chính quyền tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động ở cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
“Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, nên Cà Mau chọn người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”, ông Việt cho hay.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Chuyển đổi số là động lực, là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra chuyển biến mới đối với tỉnh. Vì vậy, ngay từ đầu, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số.
“Đây là bước đột phá lớn và trước mắt tỉnh sẽ tập trung vào 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chọn 3 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp, giáo dục, y tế để tạo sự lan tỏa, hướng về người dân làm cốt lõi để phục vụ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Dịp này, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và UBND tỉnh Cà Mau khai trương vận hành “Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT-iLIS”. Đây là một bước tiến mới của công cuộc chuyển đổi số ở Cà Mau trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Đồng Tháp, nền tảng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh này cũng được ra mắt. Đây là nền tảng dữ liệu giúp quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, các doanh nghiệp cần phải xem chuyển đổi số là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh.
Cùng hưởng ứng Ngày chuyển đối số quốc gia năm 2022, tại An Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh này phối hợp với Công ty Bưu chính Viễn thông An Giang (VNPT An Giang) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh An Giang” và “Ký kết thỏa thuận hợp tác Chuyển đổi số giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang với VNPT An Giang, giai đoạn 2022 - 2025”.
Tại hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và VNPT An Giang thông tin giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị ở doanh nghiệp; các vấn đề xoay quanh chuyển đổi số, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Cùng với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong thời đại mới với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4, An Giang xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Bà Thúy cho rằng, một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua đối với hoạt động chuyển đổi số tại doanh nghiệp chính là khái niệm về chuyển đổi số còn mới mẻ và mơ hồ; một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có tâm lý sợ tốn chi phí khi thực hiện chuyển đổi số; thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin; chuyển đổi số nhiều nơi còn mang tính hình thức, phong trào, chức mang lại hiệu quả thực chất,…
“An Giang hiện có hơn 7000 doanh nghiệp, trong đó, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải xác định hướng đi, lộ trình chuyển đổi số một cách cụ thể và phù hợp với điều kiện của chính doanh nghiệp mình.
Đồng thời, để chuyển đổi số đạt kết quả đúng lộ trình đề ra, cần phải có sự đồng hành, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải xem chuyển đổi số là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới. Việc chuyển đổi số các doanh nghiệp cũng cần làm thực chất, tránh hình thức"- Bà Thúy đề nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo