Gắn chuyển đổi số với cơ cấu lại nền kinh tế
Ngày càng nhiều người dân miền Trung – Tây Nguyên thanh toán tiền điện qua mã QR Code / Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xác định quan điểm kinh tế số, chuyển đổi số là khâu đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực; từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng mới mà còn thể hiện ý chí khát vọng phát triển đất nước.
Nhờ đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho chuyển đổi số gắn với tự động hóa dây chuyền sản xuất, mỗi ngày, Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam sản xuất 25.000 m2 tấm panel, nhưng số công nhân chỉ cần 5 - 7 người. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chuyển đổi số đã giúp chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp và tự động hóa sản xuất, góp phần tăng trưởng năng suất lao động.
"Chuyển đổi số để đưa vào quy trình tác nghiệp online. Các dữ liệu của chúng tôi đều được xử lý hợp lý thông minh", ông Hoàng Văn Nam, Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Công ty TNHH Cách âm cách nhiệt Phương Nam, cho biết.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt tối thiểu 10% và 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có sức đề kháng tốt hơn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến tái cấu trúc lại lao động", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chuyển đổi số sẽ thay đổi hàng loạt các phương thức truyền thống, từ tiếp cận trực tiếp sang môi trường trực tuyến một cách công khai, tiết giảm chí phí; tạo hệ sinh thái xuyên suốt giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế năng động.
"Ví dụ như Mobile Money cho thanh toán số hiện chỉ thí điểm thôi nhưng mất đến 3 năm chưa cấp phép được", Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho hay.
"Chúng ta phải xây dựng càng nhanh càng tốt cơ sở pháp lý dưới dạng luật và nghị định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan cũng nghiên cứu thử nghiệm chính sách để chúng ta thực hiện các nội dung về chuyển đổi số có hiệu quả nhất", Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hàng loạt các hoạt động điều hành, giao dịch kinh tế đã thích ứng với chuyển đổi số. Các bộ ngành cũng tích hợp dữ liệu ngành vào dữ liệu chung quốc gia và đây là những yếu tố thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo