Chuyển đổi số

Giáo viên lạc hậu về công nghệ, ngành giáo dục khó chuyển đổi số

DNVN – Nhiều chuyên gia nhận định, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số giáo dục là nằm ở người dạy, đội ngũ giáo viên, giảng viên. Khoảng cách quá lớn giữa thế hệ thầy và trò cũng như sự cứng nhắc trong việc dạy và học gây khó khăn trong quá trình triển khai giáo dục số.

Bình Dương vào Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới / Ngồi ở Hà Nội có thể "click chuột" xây biệt thự, resort ở Cà Mau, Phú Quốc

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ giáo dục hay chuyển đổi số trong giáo dục cũng không nằm ngoài xu hướng. Công nghệ giáo dục giúp chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ tốt hơn, giúp nâng cao năng lực, tri thức của người học. Từ đó, đưa những công nghệ trong giáo dục gắn liền với cuộc sống.

Tại hội thảo trực tuyến ”Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục” diễn ra vào sáng 15/7, ông Nguyễn Trí Hiền – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh cho rằng, có thể nói thời điểm này chính là giai đoạn vàng cho các đơn vị muốn kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát vừa là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội giúp thị trường công nghệ giáo dục tạo sự đột phá. Bên cạnh đó hàng loạt các chính sách được Bộ GD-ĐT và Chính phủ quan tâm hướng đến giáo dục số chính là cơ hội rất tốt để thị trường này phát triển.

Theo những số liệu mà ông Hiền có được, hiện nay, một số báo cáo thị trường đánh giá thị trường Edtech Việt Nam trị giá khoảng 3 triệu USD. Nhưng theo ông Hiền, con số này cần phải tăng thêm 30% mới có thể đánh giá hết được thị trường tiềm năng này.

Hội thảo trực tuyến ”Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục”.

Hội thảo trực tuyến ”Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục”.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, có một thực tế dễ nhận thấy đó là trong khi Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành đều kêu gọi và ủng hộ chuyển đổi số thì ở những cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học… công cuộc chuyển đổi số vẫn chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng.

Khi được đặt câu hỏi về những trở ngại lớn nhất trong chuyển đổi số, TS. Mai Văn Tỉnh – Giám đốc trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ cho biết, chính sách giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn còn đang bị “bế quan tỏa cảng”, không phù hợp với tình hình mới.

Thêm vào đó, cản trở lớn nhất là đội ngũ giáo viên, giảng viên đang có khoảng cách rất lớn giữa thế hệ thầy và trò. Ông Tỉnh dẫn chứng, trong khi thế hệ học trò rất rành về kỹ thuật số, được tiếp cận công nghệ "từ trong bụng mẹ" thì thế hệ các thầy cô lứa 8X công nghệ đã yếu kém. Từ đó Giám đốc trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ đặt ra câu hỏi: “Khoảng cách này sẽ được khắc phục như thế nào”?

Theo TS. Mai Văn Tỉnh rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số giáo dục là đội ngũ giáo viên, giảng viên đang có khoảng cách rất lớn giữa thế hệ thầy và trò.

Theo TS. Mai Văn Tỉnh rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số giáo dục là đội ngũ giáo viên, giảng viên đang có khoảng cách rất lớn giữa thế hệ thầy và trò.

Đồng quan điểm với TS. Mai Văn Tỉnh, TS. Tôn Quang Cường – Trưởng phòng giáo dục khoa học và công nghệ cũng nhận định rào cản lớn nhất của chuyển đổi số trong giáo dục vấn đề nằm ở người dạy. Theo ông Cường, chúng ta nên tạo một môi trường, một cú hích đi từ thay đổi, nhận thức về việc học hành. Học không phải trong nhà trường, trong từng bài giảng mà phải nhìn nhận nó là một hoạt động thường xuyên trong xã hội hiện nay. Cần phải làm cho việc học trở nên thú vị hơn bằng cách công khai, minh bạch và để mọi người cùng tham gia.

Từ những vấn đề được nêu ra trong phiên thảo luận, TS. Mai Văn Tỉnh cũng khẳng định, dù có hết dịch bệnh COVID-19 thì nền giáo dục cũng không thể quay trở lại như cũ được. “Chúng ta cần phải chuyển sang nền kinh tế chia sẻ, văn hóa chia sẻ, giáo dục chia sẻ, học thuật chia sẻ và xa hơn nữa là cần tạo được chính sách chia sẻ”, ông Tỉnh cho biết thêm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Duy Thành – CEO WeTEK Solution cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục, vấn đề khó khăn nhất là đưa được công nghệ vào áp dụng cho các trường công lập bởi tviệc này để thực hiện được phải trải qua rất nhiều bước và nhiều công đoạn.

Trong khi chính trường công lập là những đơn vị cần thay đổi nhiều nhất thì lại đang gặp quá các rào cản về chuẩn hóa cũng như về chính sách. Hơn lúc nào hết, những rào cản này cần phải được phá băng và thay đổi càng sớm càng tốt.

Ngày hội Công nghệ giáo dục Edtech Festival 2021 dưới sự chỉ đạo của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) thuộc Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC), phối hợp với Làng Công nghệ Giáo dục và các bên đối tác với chủ đề “Khơi nguồn kinh tế tri thức” nhằm tôn vinh và giới thiệu các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục số; quy tụ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm triển khai công nghệ hiệu quả và sáng tạo trong quản lý và giảng dạy trong bối cảnh thích nghi đại dịch Covid-19; đưa khoa học công nghệ giáo dục quốc tế ứng dụng vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam và kết nối hệ sinh thái các dự án công nghệ giáo dục trong nước và giữa các thành phần tham gia. Đây là sự kiện hướng đến TECHFEST Quốc gia 2021.
Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm