Chuyển đổi số

Giới hạn 49% đầu tư nước ngoài vào Fintech, Việt Nam có nguy cơ bị khiếu kiện quốc tế?

DNVN - Tại Hội thảo do VCCI tổ chức, một số ý kiến cho rằng, quy định giới hạn đầu tư nước ngoài tối đa 49% vào các công ty trung gian thanh toán sẽ gây khó khăn cho Fintech khi gọi vốn đầu tư, đồng thời quy định này dễ dẫn đến nguy cơ bị khiếu kiện quốc tế.

Những dịch vụ nào được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia? / Khởi nghiệp công nghệ hút vốn ngoại, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản

Ngày 11/12/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP). Một vấn đề nóng của Hội thảo là quy định về giới hạn tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán là 49%.

Luật sư Đặng Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư Đặng Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Giới hạn 49% sở hữu nước ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Fintech

Theo Luật sư Đặng Thanh Sơn, Luật sư hợp danh Công ty Luật Baker &Mckenzie cho rằng, quy định giới hạn tỷ lệ góp vốn không quá 49% đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong một số Hiệp định thương mại song phương và đa phương như WTO, CPTTP, AFAS, EVFTA. Hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã mở cửa tới 100% cho các ngân hàng nước ngoài, lĩnh vực trung gian thanh toán tại sao lại phải hạn chế. Việc giới hạn tỷ lệ vốn góp 49% đối với các nhà đầu tư nước ngoài sau khi giấy phép hết hạn có thể không phù hợp với các quy định tại Luật Đầu tư. Quy định này có thể làm nản lòng các nhà đầu tư, vì Fintech là ngành kinh doanh mới tại Việt Nam nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chuyên môn, tính đa dạng và công nghệ để hỗ trợ cho ngành này phát triển tại Việt Nam.

 

Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng cho rằng, Fintech cần nhiều vốn, công nghệ của nước ngoài, thậm chí các doanh nghiệp khởi nghiệp cần thu hút đầu tư hàng trăm hàng triệu USD từ nước ngoài để “đốt tiền”, bởi vì vốn đầu tư trong nước chưa đủ, trong khi cần nhiều vốn đầu tư nhưng lại vướng quy định giới hạn 49%. Đây là một mâu thuẫn cần giải quyết, bởi chủ trương của Chính phủ đang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi đó Fintech lại hạn chế đầu tư. Điều này khiến Fintech Việt Nam sẽ không theo kịp các nước, trong khi Chính phủ đang nỗ lực kêu gọi các quỹ đầu tư chuyên biệt đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ. Nếu tiếp tục duy trì hạn chế 49% sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng hạn chế đầu tư Fintech và không hoan nghênh FDI.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VECOM cũng cho rằng, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng. Thanh toán điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử mới chỉ đạt 20%, còn 80% vẫn là thanh toán bằng tiền mặt, do đó để thúc đẩy thanh toán điện tử cần phải thúc đẩy Fintech phát triển.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký VAFI.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký VAFI.

Việt Nam có nguy cơ bị kiện nếu yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Fintech

 

Luật sư Đặng Thanh Sơn cũng nhấn mạnh việc giới hạn đầu tư nước ngoài trong Dự thảo cần lường trước các khiếu kiện quốc tế. Hiện nay nhiều tổ chức trung gian thanh toán đang cung ứng dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài vượt quá giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49%. Trong dự thảo ở điều 26, các nhà đầu tư nước ngoài đang vượt trần 49% sẽ phải thoái vốn sau khi hết thời hạn giấy phép. Hiện tại giấy phép trung gian thanh toán Ngân hàng Nhà nước cấp chỉ có thời hạn 10 năm, trong khi các dự án đầu tư nước ngoài thường có thời hạn là 50 năm.

Luật sư Đặng Thanh Sơn cho rằng, dự thảo Nghị định quy định như vậy là trái với Luật Đầu tư, nếu sau 10 năm giấy phép hết hiệu lực mà bắt nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về dưới 49% thì họ hoàn toàn có thể khiếu kiện chúng ta vi phạm Luật Đầu tư.

“Việc bị khiếu kiện quốc tế chắc chắn sẽ có hậu quả không hay chút nào, nên giới hạn 49% cần phải suy nghĩ kỹ. Chúng ta đang khuyến khích sáng tạo, hiện nay các doanh nghiệp trung gian thanh toán lớn nhất trên thế giới khởi nguồn là Paypal, tất cả đều đến từ nước ngoài, tại sao chúng ra lại dùng 49% để chặn thay vì mở cửa ra để học hỏi. Fintech quan trọng nhất là giải pháp công nghệ, thứ nhì để học hỏi cách khai thác dịch vụ, tại sao lại hạn chế 49% về vốn, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm thiểu số thì mức độ tham gia trong doanh nghiệp cũng chỉ thiểu số mà thôi, tại sao chúng ra không mở ra để tận dụng thế mạnh của họ để phát triển” Luật sư Đặng Thanh Sơn nhấn mạnh.

Các ý kiến khác tại hội thảo cũng nhấn mạnh tới vấn đề hiệu lực hồi tố, nếu hết thời hạn giấy phép trung gian thanh toán đã được cấp chỉ có 10 năm, mà quy định của Việt Nam buộc sở hữu nước ngoài vượt 49% phải rút bớt tỷ lệ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng sẽ viện dẫn các hiệp định song phương để khiếu kiện Chính phủ. Ông Đặng Thanh Sơn dẫn ra trường hợp, Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

VCCI tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp đóng góp Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

VCCI tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp đóng góp Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Đại diện Vụ Thanh toán: 49% là tỷ lệ hài hòa

Liên quan đến các ý kiến đề xuất này, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc quy định giới hạn 49% không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Khi xây dựng dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đã tham vấn nội bộ, lấy ý kiến của Bộ Công Thương về phạm vi cam kết của nhóm dịch vụ trung gian thanh toán, Bộ Công Thương đã khẳng định dịch vụ trung gian thanh toán không thuộc cam kết WTO, CPTTP, CPTTP, trong các Hiệp định thương mại chúng ta chỉ có cam kết dịch vụ thẻ thanh toán.

Ông Dũng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ lắng nghe ý kiến các chuyên gia, rà soát thêm các quy định về bảo hộ đầu tư đảm bảo Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định tuân thủ đúng các cam kết quốc tế.

“Nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ không từ bỏ quyền quản lý của mình, giới hạn 49% đã được đơn vị soạn thảo tham vấn nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, quan điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech, tỷ lệ 49% là tỷ lệ hài hòa", ông Dũng phát biểu.

 

Tuy nhiên, ông Phùng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của Fintech, nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực Fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là "dịch vụ thanh toán". Nếu Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm