Chuyển đổi số

Khởi nghiệp công nghệ hút vốn ngoại, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản

DNVN - Trong năm 2019, lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ đã tăng chóng mặt cả về số lượng, cũng như thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm quản trị, nguồn tài chính còn hạn hẹp là những rào cản mà các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ phải vượt qua.

Chủ tịch LienVietPostBank: "Fintech là cơ hội cho khởi nghiệp số" / Techfest 2019 thu hút đông đảo nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài

Khởi nghiệp công nghệ thu hút các nhà đầu tư ngoại

Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty khởi nghiệp sáng tạo, đến năm 2019, con số này là hơn 3.000. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là nơi có gần 50% startup trong nước và được xếp hạng là thành phố có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á.

Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 do ESP Capital và Cento Ventures thực hiện cho thấy chỉ trong vòng hai năm, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động đã vươn lên Top ba cộng đồng khởi nghiệp mạnh nhất 6 quốc gia ASEAN tham gia khảo sát, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Trong năm qua cũng chứng kiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã gọi vốn được từ các nhà đầu tư ngoại. Theo thống kê của Global M&A Review 2018, trong 38 thương vụ đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm 2018, có đến 27 thương vụ đầu tư vào các start-up, chiếm 71% tổng số thương vụ và tăng 56% so với năm 2017.

Bên cạnh các khoản đầu tư trong nước, thị trường Việt Nam đang trở thành điểm thu hút các quỹ Hàn Quốc khi số dự án được rót vốn ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch trong nửa đầu năm 2019. Trong khi đó ở giai đoạn 2017-2018, các giao dịch hầu hết đến từ nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Việt Nam ghi nhận 58 vụ đầu tư thành công với tổng vốn 246 triệu USD, gấp 6 lần cùng kỳ 2017. Trong đó ba khoản đầu tư lớn nhất vào Tiki, VNPay và VNG chiếm 63% tổng vốn. Ahamove, ECOMEASY ASIA, Sendo cũng nắm trong danh sách khởi nghiệp công nghệ gọi được vốn ngoại vào cuối năm 2019.

Không chỉ thu hút nguồn vốn ngoại, một số quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong nước hình thành. Gần đây nhất, ngày 22/11/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội về việc: “Ý kiến về hồ sơ thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo” đã công nhận Công ty CP Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX có đầy đủ sở cứ pháp lý để thành lập “Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX” theo đúng quy định của pháp luật nhà nước Việt Nam tại Hà Nội

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo IC1 được công bố thành lập và Trung tâm Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp BSSC (TP Hồ Chí Minh) là đơn vị duy nhất nhận được sự ủy thác nguồn vốn từ UBND TP Hồ Chí Minh cho hoạt động hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp. Mỗi năm, BSSC xét chọn và hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng cho các dự án kinh doanh tiềm năng.

Trước thông tin hồ sơ thành lập Quỹ được phê chuẩn, ông Ngô Hoàng Quyền, Chủ tịch HĐQT Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX đã nhấn mạnh: “Về tính pháp lý, Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BCNEX được thành lập và hoạt động tuân thủ theo đúng Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2018. Về mục tiêu, Quỹ sẽ tập trung đồng hành, hỗ trợ, tư vấn các Startup khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện, tối ưu sản phẩm cũng như xây dựng, quản trị và truyền thông hình ảnh doanh nghiệp hiệu quả cũng như là cầu nối cho các Startup khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận với các nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm, gọi vốn đầu tư trực tiếp vào Startup khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia theo đúng quy định của pháp luật nhà nước Việt Nam.”

VNPAY đã thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoại trong năm 2019.

VNPAY đã thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoại trong năm 2019.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải vượt qua nhiều rào cản

Với nhiều chính sách hỗ trợ cũng như cơ hội phát triển, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi có nhiều điều kiện, tiềm năng tốt nhất để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không lưu tâm đến những rào cản, thách thức đối với các khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải đối mặt ở những giai đoạn đầu của sự phát triển.

Đầu tiên phải kể đến đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng trong kinh doanh cũng như quản trị tài chính doanh nghiệp khởi nghiệp. Có một thực tế, hầu hết các khởi nghiệp sáng tạo công nghệ thường xuất thân từ những người làm kỹ thuật. Các khởi nghiệp sáng tạo này thường được học về công nghệ và cách xây dựng sản phẩm nên còn thiếu hụt kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và tài chính cơ bản.

Điểm chung của các khởi nghiệp sáng tạo này chỉ đơn thuần muốn mở rộng quy mô, đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra nhưng lại chưa phân định được rõ giai đoạn nào thì nên quản lý thế nào, cần chi phí bao nhiêu cho việc gì trong khi trong khi kỹ năng về tài chính, vận hành, nắm bắt thị hiếu và tăng trải nghiệm cho khách hàng là những yếu tố hết sức quan trọng để dự án, doanh nghiệp có thể tồn tại thì lại thiếu. Đây là một thách thức lớn cực kỳ lớn khiến nhiều khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công.

 

Trở ngại tiếp theo đó chính là rào cản đến từ nguồn tài chính cho các khởi nghiệp sáng tạo. Hiện tại, hầu hết nguồn tài chính đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn như IDG Ventures VietNam, Cyber Agent, VinaCapital tuy nhiên hiện các nguồn vốn đến từ các nhà đầu trong nước chưa thật sự nhiều. Bằng việc ra đời của các quỹ khởi nghiệp sáng tạo mới đây tại Việt Nam như IC1, BCNEX hi vọng nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo sẽ được bổ sung trong tương lai gần

Bên cạnh sự hỗ trợ ngày càng cao của nhà nước cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cũng cho rằng hiện các chính sách liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện còn đang ở mức hỗ trợ việc nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, còn những điều khoản liên quan đến tìm hiểu, phân tích thị trường hay đi ra nước ngoài ra sao thì hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Các chính sách cũng cần quy định và bổ sung rõ hơn mã ngành, nghề đầu tư khởi nghiệp đởi mới sáng tạo hay ngành, nghề thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Phát biểu tại Diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: bứt phá từ tư duy đến hành động” chiều 5/4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 5G, xây dựng khung khổ thể chế để thí điểm ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, như thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng, các mô hình kinh tế chia sẻ... Ngay trong năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tổ chức hữu quan để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, dự kiến đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo kế hoạch, trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam muốn có ít nhất 5 công ty công nghệ trị giá hàng tỷ USD vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030. Hy vọng rằng, cùng với những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và sự quyết tâm của startup sẽ góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.

Nguyễn Quang Huy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm