Chuyển đổi số

Hà Nội lần đầu khảo sát chất lượng lớp 12 qua hình thức trực tuyến

DNVN - Từ ngày 29/5 đến ngày 31/5/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Cục CNTT - Bộ GD&ĐT (GD&ĐT) kiểm tra khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12 trên địa bàn theo hình thức trực tuyến trên hệ thống phần mềm Hanoi Study.

Sẽ có nhiều nền tảng, ứng dụng, mạng xã hội cam kết hỗ trợ ngành Giáo dục đào tạo trực tuyến / Covid-19: Nhà mạng miễn cước nhiều dịch vụ cho giáo dục, y tế từ xa, các điểm cách ly và cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Giúp học sinh tự đánh giá năng lực bản thân và giảm bớt khó khăn về tài chính cho nhà trường

Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 3 đợt mà ngành giáo dục Hà Nội sẽ tổ chức trong năm 2020, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 về kiến thức, kỹ năng phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đợt khảo sát lần thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 19, 20, 21/6/2020; lần thứ ba vào ngày 10, 11, 12/7/2020.

Trong đợt khảo sát trực tuyến, mỗi học sinh THPT dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, tiếng Anh) và 1 bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Mỗi học sinh giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 2 bài, trong đó có 1 bài bắt buộc là môn Toán và 1 bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, các bài kiểm tra khảo sát đối với lớp 12 THPT năm học 2019 - 2020 được thực hiện trực tuyến theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Học sinh làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp và đề nghị phụ huynh là người giám sát việc làm bài. Khảo sát thường được tổ chức vào 19h30 hoặc ngày Chủ nhật, kết quả kiểm tra không bắt buộc lấy điểm.

Ngay sau mỗi lần kiểm tra, phần mềm thông báo kết quả bài làm cho học sinh và có phân tích phổ điểm của từng môn đối với từng đơn vị trường học, chỉ ra các câu làm bài bị sai so với đáp án; các tổ, nhóm chuyên môn của từng đơn vị căn cứ vào kết quả khảo sát, phân tích và tìm ra điểm yếu của học sinh và có các biện pháp ôn tập củng cố, bổ sung kịp thời kiến thức cho học sinh.

Thông qua các lần khảo sát, giáo viên bộ môn nắm được những hạn chế của học sinh và có các biện pháp bồi dưỡng để khắc phục ngay. Học sinh tự rút ra được kinh nghiệm khi làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu. Phụ huynh thông qua giám sát việc học sinh làm bài sẽ hiểu và nắm được những điểm mạnh, yếu của con em mình, từ đó có giải pháp phối hợp với nhà trường giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá rằng, việc kiểm tra khảo sát trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study sẽ giúp học sinh thử nghiệm làm bài thi trắc nghiệm khách quan, tự đánh giá năng lực của bản thân, khuyến khích năng lực tự học, tự đánh giá với sự phối hợp của gia đình.

Về phía nhà trường, tiến hành khảo sát trực tuyến sẽ giảm bớt thời gian, công sức, tài chính trong công tác in sao đề, coi thi, chấm bài khảo sát.

Xử lý các sự cố và hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn

Đánh giá về đợt khảo sát đầu tiên từ 29 - 31/5/2020, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cùng với việc chuẩn bị về chuyên môn, Sở đã tính toán về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền đáp ứng tốt nhất kỳ khảo sát.

Trong thời gian tổ chức khảo sát cho học sinh toàn thành phố, Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc kết nối của các địa phương trong cả nước với hệ thống máy chủ của Bộ. “Hệ thống có thể đáp ứng cho trên 200.000 học sinh tham gia dự khảo sát cùng một thời điểm nên hoàn toàn yên tâm về hệ thống đảm bảo cho hơn 74.000 học sinh Hà Nội thực hiện khảo sát”, Sở GD&ĐT Hà Nội dẫn báo cáo của bộ phận kỹ thuật.

Kết quả, lần đầu tiên kỳ khảo sát bằng hình thức trực tuyến diễn ra với quy mô lớn, với hơn 74.000 thí sinh tham gia, tỷ lệ học sinh nộp bài thành công các môn đều đạt khoảng 99%.Về cơ bản các lỗi kỹ thuật xảy ra vào buổi khảo sát đầu tiên đã được khắc phục gần như triệt để ở các buổi sau.

Trong quá trình tổ chức khảo sát đợt 1, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ghi nhận hiện tượng chống phá như: tổ chức giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát, viết bài hoặc thông tin không đúng lên mạng xã hội. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý hiện tượng này trong các đợt khảo sát tiếp theo.

Sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp với Cục CNTT - Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, hướng dẫn, tuyên truyền, hoàn chỉnh thiết bị, tập huấn kỹ năng, chuẩn bị tốt nhất cho đợt khảo sát lần hai và ba.

Bên cạnh đó, để các kỳ khảo sát đạt hiệu quả cao nhất, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp cha mẹ học sinh để phối hợp trong công tác bố trí thiết bị, giám sát việc làm bài của học sinh; Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với phụ huynh chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đường truyền kết nối mạng Internet) phục vụ cho kiểm tra khảo sát.

Sở cũng yêu cầu rà soát và có giải pháp hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn không có đủ phương tiện để tham gia khảo sát (bố trí cho học sinh làm bài khảo sát tại trường, cho mượn thiết bị nhà trường, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có điều kiện tài trợ), đảm bảo cho tất cả học sinh lớp 12 đều được tham dự các lần kiểm tra khảo sát.

Thạch Vũ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo