Chuyển đổi số

Sẽ có nhiều nền tảng, ứng dụng, mạng xã hội cam kết hỗ trợ ngành Giáo dục đào tạo trực tuyến

DNVN - Hiện đã có 14 kênh truyền hình phát chương trình giáo dục trực tuyến, sắp tới sẽ có thêm nhiều nền tảng, ứng dụng, mạng xã hội tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo trực tuyến trong đại dịch Covid-19.

Lịch phát sóng chương trình học online trên truyền hình của 14 tỉnh, thành phố và VTVcab, VTV7 / Bitcoin lên đỉnh rồi chạm đáy: “Trâu cày” tiền ảo đắp chiếu, “nông dân” thời 4.0 khốn đốn

Tại Lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội, được kết nối cầu truyền hình đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giai đoạn đầu, lùi thời gian học là giải pháp ngành Giáo dục đã áp dụng để phòng dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã tập trung rà soát nội dung các môn học của học kỳ II năm học 2019 – 2020 của các lớp từ 1 đến 12, nhất là lớp 9 và lớp 12. Trên cơ sở rà soát theo hướng tinh gọn lại, giảm các nội dung chưa nhất thiết phải ưu tiên, tổ chức xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử, bài giảng để ứng dụng trên các nền tảng công nghệ.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành bài thi minh họa tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. “Nguyên tắc của chúng tôi là giảm những nội dung có thể giảm được nhưng vẫn phải giữ, không buông lỏng chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cho biết hiện nay ngành GD&ĐT không đặt vấn đề lùi thời gian học, người đứng đầu ngành Giáo dục chỉ rõ, sẽ tăng cường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, vẫn đảm bảo nội dung cơ bản. Cùng với đó, tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong hôm nay, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình cho học sinh. Được biết, hướng dẫn này sẽ quy định cụ thể các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, học liệu/bài giảng, yêu cầu đối với giáo viên và học sinh tham gia dạy - học, cách tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Thời gian qua, với quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hiện đã có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; nhiều trường phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy và quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT với 5.000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí.

Để thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo nêu trên của Bộ GD&ĐT, các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành TT&TT vừa chính thức cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong thời Covid-19, với những hỗ trợ cụ thể như: đưa các chương trình của Bộ GD&ĐT lên truyền hình; báo chí sẽ tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT; các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến mọi người dân liên quan về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT.

Lễ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT và ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 26/3/2020.

Lễ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT và ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 26/3/2020.

Các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thày cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

“Gói hỗ trợ mùa Covid-19 ước tính là hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng. Các doanh nghiệp TT&TT cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một điện thoại thông minh kết nối 4G, 5G”, đại diện Bộ TT&TT thông tin.

Tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&ĐT tạo sẽ là liên tục và mãi mãi.

Bộ TT&TT và Bộ GD&DT cũng sẽ hợp tác với nhau đề ra các tiêu chuẩn về CNTT và an toàn thông tin để đảm bảo tính mở của các nền tảng, đảm bảo tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Đảm bảo không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.

Bày tỏ mong muốn GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tiếp tục đặt hàng nhiều hơn nữa, đưa ra nhiều yêu cầu thách thức hơn nữa cho ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi luôn nhận thức rằng, ngành ICT nước nước nhà chỉ có thể mạnh lên, sánh vai với các cường quốc năm châu nếu ngành GD&ĐT, cũng như mọi ngành khác, đặt ra cho ngành ICT các yêu cầu cao, càng cao càng tốt, càng thách thức càng tốt. Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn bất cứ ai đưa ra yêu cầu cao hơn cho ngành ICT”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT kỳ vọng tới đây sẽ có thêm nhiều các doanh nghiệp khác nữa, nhất là các doanh nghiệp phát triển ứng dụng sẽ tích cực tham gia chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, và đặc biệt là các ứng dụng kịp thời cho dạy và học trực tuyến thời Covid-19.

“Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nắm bắt thời cơ hiếm có trong công cuộc chuyển đổi số. Đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài”, Bộ trưởng nói.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm