Chuyển đổi số

Hậu Covid-19: Thị trường lao động đang khát nhân sự có khả năng làm việc từ xa

DNVN - Nhiều DN hiện nay cũng chưa cho nhân viên đi làm ngay mà chuyển sang hình thức làm việc mới, đó là giao việc theo hiệu suất để nhân sự thích nghi dần với làm việc từ xa, thay vì làm việc theo phương thức cũ. Vì vậy nhiều DN đang đi tìm và giành giật các nhân sự có khả năng thích nghi với tình hình mới, làm việc có hiệu quả và hiệu suất cao.

Tỷ lệ phủ sóng 4G đạt trên 95% là cơ sở để Việt Nam sớm tắt sóng dịch vụ 2G/3G / iPrice Group và Medal.tv: Bù cổ phiếu cho nhân viên khi giảm lương

Theo đánh giá sơ bộ của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), đại dịch Covid-19 đã làm cho 25 triệu người mất đi việc làm. Ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 - 1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm.

Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với Covid-19 là gần 5 triệu người. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động.

Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1/2020 là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ chưa bằng một nửa của cùng kỳ năm trước đó.

Dù muốn hay không, COVID-19 vẫn tác động đáng kể đến tương lai lao động của nhiều ngành nghề. Việc nắm bắt bức tranh thị trường tuyển dụng sắp tới theo đó rất quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) và người lao động vạch ra những bước chuẩn bị, giải pháp cần thiết.

Tại Talk Show với chủ đề: “Chiến dịch chuyển đổi số Nhân sự: Làm việc hay là đói” các chuyên gia đã tập trung đưa ra những nhận định, lời khuyên để giải quyết nhu cầu nhân sự cấp bách của doanh nghiệp, cũng như vạch ra hướng đi sáng suốt cho người lao động trong giai đoạn mà nền kinh tế đang ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19.

Các diễn giả tham gia tại sự kiện Talk Show với chủ đề: “Chiến dịch chuyển đổi số Nhân sự: Làm việc hay là đói”

Các diễn giả tham gia tại sự kiện Talk Show với chủ đề: “Chiến dịch chuyển đổi số Nhân sự: Làm việc hay là đói”

Chuyển đổi số là bắt buộc, DN sẽ làm việc online nhiều hơn thời hậu Covid-19

Về những điều đang chờ đợi DN trong 6 tháng tới, ông Trần Trung Hiếu - CEO TopCV Việt Nam nhận định: "Thời gian tới là thời điểm các DN sẽ thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn, giảm phụ thuộc vào offline, giảm phụ thuộc vào con người quá nhiều. Người lao động thời điểm này cũng sẽ nhận thấy không có gì là ổn định và mãi mãi, vì vậy người lao động cần phải học những cái mới, cần học cách sử dụng những công cụ việc làm mới, học cách thích nghi và sử dụng công nghệ.

Thời điểm này, cách làm việc và tuyển dụng người lao động sẽ khác khi mọi người chuyển dịch lên online nhiều hơn, họ chấp nhận và làm quen dần vời hình thức làm việc từ xa. Chúng ta sẵn sàng cho một lương lai mới không phải dịch Covid-19 mà bất cứ dịch bệnh nào chúng ta vẫn có thể hoạt động bình thường được".

Trong giai đoạn doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 thì việc buộc phải cắt giảm nhân sự, thay đổi cơ cấu tuyển dụng…. việc các DN tuyển dụng và đào tạo nhân sự như thế nào để thích ứng với tình hình mới là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (Tony Dzung) – CEO Trường Doanh nhân HBR cho rằng: "Quan trọng nhất đối với các DN ở thời điểm hiện tại là văn hóa doanh nghiệp. Đây là vấn đề tối quan trọng, là nền tảng của DN. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa bền vững để thích nghi, thay đổi và học tập thì sẽ khó phát triển trong thời gian dịch bệnh diễn ra".

Bên cạnh đó, ông Dũng nhận định, với những DN đã có văn hóa thích nghi với tình hình mới rồi thì tiếp theo phải tính đến chuyện phải làm gì để người lao động và DN cùng đi một hướng để tồn tại và phát triển. Và DN có đủ năng lực để đào tạo nhân sự phù hợp với tình hình mới hay không cũng là việc đáng phải bàn.

Cũng theo ông Dũng "Việc DN phải chuyển đổi số trong thời điểm này là bắt buộc. Vì vậy các chủ DN cần xem nhân sự của mình có thích nghi được với sự thay đổi mới này hay không. Nếu không thích nghi được thì nhân sự đó sẽ tự bị đào thải ra khỏi hệ thống. Còn nếu nhân sự có thể thích nghi được thì lộ trình đào tạo sẽ như thế nào. Việc cần đóng gói quy trình để chuyển giao cho các nhân sự khác trong DN sẽ giúp đào tạo nhân sự khác rất nhanh và hiệu quả.

DN nào cũng cần chuyển đổi số, hiện nay, nhu cầu nhân sự online tăng đột biến nên việc tuyển dụng khó hơn trước rất nhiều. Vì vậy DN cần xây dựng thương hiệu tuyển dụng, xây dựng trải nghiệm nhân sự bên trong. Với nhân sự online đa số sẽ là người trẻ. Họ sẽ có 2 lý do chính để làm việc tại DN: Thứ nhất là mong muốn được học tập và phát triển. Nếu DN của bạn không có sự khác biệt, không đem lại cho họ một cơ hội nghề nghiệp rõ ràng thì họ sẽ không thể đồng ý làm việc tại DN của bạn và thứ hai họ mong muốn một mức lương tốt. Vì vậy DN cần thay đổi chính mình để có thể tuyển dụng hiệu quả. Nếu không họ vào một thời gian cũng sẽ ra đi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm thay đổi nền kinh tế mà còn thay đổi cả nhu cầu tuyển dụng. Về vấn đề này, ông Trần Trung Hiếu - CEO TopCV Việt Nam nhận định: "Hiện nay công nghệ thay đổi và cải thiện liên tục để có những sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường. Vì vậy các DN cần biết cách ứng dụng công nghệ phù hợp với sản phẩm của DN mình. Điều này sẽ quyết định ai là người sẽ đi nhanh hơn và ai là người chiến thắng".

Hậu Covid-19 theo đánh giá sẽ có một sự dịch chuyển rất lớn về cơ cấu công việc trong nền kinh tế. Về vấn đề này ông Trần Trung Hiếu cho rằng "Vấn đề của các DN hiện nay là làm thế nào để tinh gọn và tối ưu các bộ phận trong DN. Hiện nay nhiều DN đã rất thành công với mô hình tuyển dụng cộng tác viên. Việc tương tác với khách hàng cũng đơn giản hơn trước. Cộng tác viên chỉ cần ngồi ở nhà, online trên môi trường số như Facebook để tương tác với khách hàng. Việc làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các DN, không những thế với hình thức kinh doanh này các DN còn tận dụng được nguồn lao động đa dạng ở nhiều lứa tuổi khác nhau".

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng – CEO Trường Doanh nhân HBR lại cho rằng: Trong thời gian tới những công việc có tính chất lặp đi lặp lại trong DN sẽ được thay thế bằng các quy trình công nghệ. Marketing sẽ cần tập trung nhiều hơn vào việc sáng tạo. Và việc xây dựng quy trình sao cho phù hợp với xu hướng toàn cầu là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Nếu như trước đây các DN tập trung vào việc làm sao để tăng trưởng doanh thu, gia tăng thị phần thì ở thời điểm hiện tại quan trọng nhất là gia tăng lợi nhuận, dùng tiền thế nào để vừa có thể tăng trưởng được doanh thu nhưng chi phí thấp nhất có thể. Để làm được điều này đòi hỏi các DN cần phải sử dụng công nghệ một cách triệt để, cần phải làm ngay.

Thị trường lao động đang khát nhân sự có khả năng làm việc từ xa

Trong buổi Talkshow, ông Tuấn Hà - Founder & CEO VinaLink cũng đưa ra quan điểm về sự thay đổi cơ cấu tuyển dụng nhân sự của các ngành nghề lao động đang diễn ra hậu Covid-19. Ông chia sẻ: Ở thời điểm này, trong đầu của các CEO đã bắt đầu biết cách tuyển dụng nhân sự, cách tìm kiếm nhân sự và tiếp nhận nhân sự ở góc nhìn và tư duy hoàn toàn mới.

Nhiều DN phải cắt giảm nhân sự nhưng cũng đã tìm được cho mình những nhân sự tốt hơn. Họ nhận ra rằng việc cắt giảm một bộ phận nhân sự đó chưa chắc đã là thảm họa mà đây chính là cơ hội để bổ sung những nhân sự mới. Việc đào thải nhân sự là hết sức bình thường và là việc đương nhiên có thể diễn ra hàng ngày ở các DN. Vì vậy các chủ DN dần cảm thấy bình thường hơn với việc tuyển dụng và sa thải nhân sự.

Founder & CEO VinaLink cũng đưa ra lời khuyên cho các DN cần chuẩn bị những gì để khi các dịch bệnh khác diễn ra thì DN vẫn có thể vượt qua khó khăn, gia tặng lợi nhuận và tăng trưởng tốt nhất. Cụ thể, sau Covid-19, khi quan sát nhiều doanh nghiệp, ông Tuấn Hà thấy rằng, việc người lao động làm việc chủ động không cần lên văn phòng sẽ là một xu thế tất yếu. Điển hình vừa rồi Tập đoàn Google quyết định cho nhân sự của mình làm việc tại nhà đến hết năm 2020.

Nhiều DN hiện nay cũng chưa cho nhân viên đi làm ngay mà chuyển sang hình thức làm việc mới, đó là giao việc theo hiệu suất để nhân sự thích nghi dần với làm việc từ xa thay vì làm việc theo thói quen cũ. Vì vậy nhiều DN đang đi tìm và giành giật các nhân sự có khả năng thích nghi với tình hình mới, làm việc có hiệu quả và hiệu suất cao.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần tìm đến các giải pháp phù hợp với chuyển đổi số để thích nghi với những người có thể làm việc từ xa và có thể tiết kiệm chi phí tối đa nhất có thể.

Về vấn đề này, CEO TopCV Việt Nam lại cho rằng: "Nếu như trước đây các DN luôn cần những người giỏi và thông minh thì sau Covid-19 các doanh nghiệp sẽ có thêm một tiêu chí nữa là nhân sự đó có thể làm việc từ xa được. Ở Việt Nam sau dịch bệnh xu thế này sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Hiếu thì phần lớn DN vừa và nhỏ có tư duy cần người lúc nào thì mới đi tìm kiếm và tuyển dụng. Nhưng nếu đúng nhất là các DN nên xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho mình. Liên tục phải quay vòng tuyển dụng – đào tạo – sa thải. Cần phải tinh gọn bộ máy và chọn ra những nhân sựu phù hợp.

"Để làm việc từ xa hiệu quả thì DN cần tìm kiếm những người có khả năng, năng lực làm việc. Hãy đánh giá nhân sự qua hiệu quả công việc của họ chứ đừng chỉ chăm chăm giám sát nhân sự của mình", ông Hiếu nhấn mạnh.

Covid-19 bùng phát làm thay đổi rất nhiều về thị trường tuyển dụng nhân sự. Trong thách thức thì người lao động cũng sẽ có rất nhiều cơ hội nếu đủ nhạy bén và thích nghi với tình hình mới. Về vấn đề này ông Tuấn Hà - Founder & CEO VinaLink cho biết: "Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh. Để tồn tại được người lao động phải tư duy khác đi. Họ cần phải tìm kiếm tài chính từ những nguồn thu nhập phụ. Phải có hai nguồn tài chính trở lên mới có thể tồn tại được đó chính là xu thế. Bên cạnh đó hiện nay thị trường cũng đang khát những nhân sự có khả năng làm việc từ xa. Vì vậy người lao động phải tự thích nghi, tự thay đổi mình thì sẽ được trọng vọng và có những cơ hội làm việc tốt trong tương lai".

Ông Hà đưa ra lời khuyên 5 việc người lao động cần phải làm để có thể vẫn sống khỏe trong thời gian tới đó là: Thứ nhất phải tìm kiếm nguồn thu nhập phụ cho mình. Tuy không có tiền ngay nhưng nó sẽ có những khoản tiền lớn trong tương lai, phải có công việc phụ giống như Business riêng của mình vậy.

Thứ 2 là phải rèn luyện để mình trở thành ông chủ của chính mình, hãy có tâm thế khởi nghiệp ngay bây giờ.

Thứ 3 là phải có quan hệ thật tốt với một công ty tuyển dụng, hãy trở thành người có giá trị để những DN khác phải tìm đến mình.

Thứ 4, phải chăm chỉ đọc tất cả các thông tin hàng ngày để có khả năng nhạy bén với thị trường và có thể đoán trước được tương lai.

Thứ 5 là phải biết sử dụng các giải pháp công nghệ để có thể thích nghi với nhiều công việc khác nhau.

Nhân sự phải có khả năng học tập suốt đời, nếu không sẽ bị sa thải

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này ông Hưng – CEO AccessTrade cho rằng người lao động giống tài sản của DN. Nếu là tài sản tốt thì lúc nào cũng có nhiều việc để làm. Vì vậy nhân sự ngoài việc tìm kiếm một công việc khác để tăng giá trị cho mình thì đầu tiên cần phải làm tốt nhất công việc hiện tại của mình đã. Vì kể cả có chuyển sang DN khác thì chủ DN mới họ cũng chỉ tuyển những người xuất sắc. Vì vậy cần phải tập trung vào bản thân nhiều hơn và nâng cao năng suất lao động hiện tại.

CEO Trường Doanh nhân HBR lại đưa ra chia sẻ về “tư duy cầu tiến”. Ông quan niệm những người luôn luôn học hỏi sẽ không bao giở sợ mất việc mà còn được những người khác tự tìm đến mình. Nếu không có năng lực học tập suốt đời thì nhân sự đó chắc chắn sẽ bị sa thải.

Theo đó, người lao động được trả lương cho giá trị chứ không phải cho thời gian. Vì vậy khi làm việc cho các DN bạn hãy coi như làm việc cho chính mình. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là bạn cần phải làm thương hiệu cá nhân thật tốt. Vì những người có thương hiệu cá nhân thì giá trị của họ được nâng lên cao hơn rất nhiều.

Cũng tại buổi Talkshow khi được để cập đến vấn đề làm thế nào để các doanh nghiệp khó khăn có thể khôi phục lại tình hình kinh doanh nhanh sau dịch, CEO Trường Doanh nhân HBR có đưa ra lời khuyên như sau: Có hai nhiệm vụ chính mà DN cần phải làm lúc này là tồn tại và phát triển. Đầu tiên DN phải nghĩ đến việc làm thế nào để có được doanh thu, dòng tiền để cho bộ máy DN tồn tại. DN cần phải có kế hoạch để tối ưu chi phí. Phải tìm cho mình một chiến lược và mô hình kinh doanh tốt. Phải lựa chọn cho mình một sản phẩm có biên lợi nhuận tốt, có khả năng phát triển mạnh và có thể nhân rộng được.

Bên cạnh đó DN cần quan tâm chú trọng đến bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây là linh hồn cho DN. Sales và Marketing sẽ được ví như tiền tuyến cần có công nghệ và chiến lược để hỗ trợ cho Marketing. Bên cạnh nỗi đau nhân sự sẽ là nỗi đau về vốn. Làm sao khi chỉ có vốn hạn chế mà DN vẫn có thể đi nhanh được. Việc gọi vốn cho DN là cần thiết. DN cũng cần tìm những giải pháp công nghệ để hỗ trợ cho sự phát triển. Và quan trọng vẫn là vấn đề tài chính. DN cần tìm những trợ thủ đắc lực để cố vấn tài chính.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm