Chuyển đổi số

Hoàn thành đề án số hóa truyền hình, giải phóng băng tần “vàng” phát triển 5G

DNVN - Bộ TT&TT vừa tuyên bố hoàn thành Đề án số hóa truyền hình sau 9 năm triển khai, tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất trên toàn quốc. Giải phóng 112MHz trên băng tần 700MHz – là băng tần “vàng” để phủ sóng 5G toàn quốc.

Thừa Thiên Huế: 100% cán bộ thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ phổ biến trên nền tảng Hue-S trong năm 2021 / Không hỗ trợ smartphone cho người nghèo từ nguồn Quỹ viễn thông công ích

Bộ TT&TT vừa công bố Việt Nam chính thức hoàn thành Đề án Số hóa truyền hình được ban hành theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 9 năm, đến nay Đề án Số hóa truyền hình đã đạt và vượt tất cả các mục tiêu ban đầu đã đề ra, góp phần thực hiện cam kết của toàn khối ASEAN năm 2010, là tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất vào năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án, đó là:

Một là, hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình mặt đất cao hơn 30 lần so với truyền hình tương tự, vì vậy, đã giải phóng 112MHz trên băng tần 700MHz – là băng tần “vàng” để phủ sóng 5G toàn quốc, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước.

Hai là, mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, từ phủ trung tâm của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 (tương đương 20% dân số) đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương với 80% dân số), xuống đến huyện, xã, thôn, bản.

Ba là, đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình vốn trước kia là “sân” riêng của các Đài PT-TH nhà nước. Nếu như năm 2011 chỉ có Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC làm truyền hình số mặt đất, thì đến năm 2020 đã có 5 đơn vị làm, trong đó có các công ty cổ phần. Nguồn lực xã hội tham gia số hóa truyền hình đạt trên 50%.

Bốn là, 100% các Đài PTTH địa phương đã được tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa tập trung vào sản xuất nội dung chương trình. Cách đây 9 năm, vào năm 2011 thì 100% các nhà đài vừa làm nội dung, vừa truyền dẫn, phát sóng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ 5 hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự, (trong đó, 4 nước gồm: Brunei hoàn thành năm 2017, Singapore năm 2019, Malaysia năm 2019, Thái Lan đầu năm 2020, đều là các nước có quy mô dân số nhỏ hơn và địa hình dễ phủ sóng hơn). Việt Nam đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN – hoàn thành đúng hạn việc tắt sóng truyền hình tương tự trước năm 2020. Với thế giới, Việt Nam đứng thứ 78/193 hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng công bố Việt Nam đã hoàn thành Đề án số hóa truyền hình sau 9 năm triển khai.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng công bố Việt Nam đã hoàn thành Đề án số hóa truyền hình sau 9 năm triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, để có được thành công trên, Việt Nam đã có những cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công Đề án Số hóa truyền hình, theo đó:

Việt Nam đã có lộ trình phù hợp, làm thí điểm trước tại Đà Nẵng (sau 3 năm chuẩn bị thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tắt sóng thành công). Tiếp đến là các thành phố lớn, thu nhập cao, sau đó là các tỉnh đồng bằng và cuối cùng là các địa phương miền núi.

Việt Nam đã đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Việt Nam đã chọn công nghệ DVB-T2 khi mới chỉ có 6 nước chọn công nghệ này. Đây là công nghệ tiên tiến, có chất lượng cao, vừa tiết kiệm băng tần. Và thực tế đã chứng minh Việt Nam đã đúng, khi năm 2020, 90% các nước sử dụng công nghệ DVB đã chọn công nghệ DVB-T2.

Trong khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo thiết bị thu kỹ thuật số. Đã có gần 2 triệu hộ gia đình được hỗ trợ với chi phí trên 1.000 tỷ đồng. Các hộ nghèo và cận nghèo đã được xem các chương trình truyền hình với chất lượng cao và mễn phí.

Đồng thời, Việt Nam đã thiết lập riêng một tổng đài để tiếp nhận phản ánh và hỗ trợ các hộ dân trong quá trình chuyển đổi. Các khó khăn khi sử dụng công nghệ mới hoặc thiếu sóng truyền hình kỹ thuật số đã được trợ giúp và xử lý kịp thời.

Việc tắt sóng truyền hình liên quan đến hàng triệu dân, trên 20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc, nên việc truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dân phải nhận thức được việc tắt sóng truyền hình tương tự là để nâng cao chất lượng truyền hình, để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp giúp nâng cao đời sống cho bà con, để Việt nam sánh vai với các nước, từ đó ủng hộ chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy công nghệ mới. Đề án đã tổ chức 24 hội nghị tập huấn, mỗi quận/huyện có ít nhất 8 cán bộ được tập huấn; hơn 10.000 hệ thống loa phường/xã đã liên tục, tích cực truyền thông về chương trình chuyển đổi từ sóng truyền hình tương tự sang sóng truyền hình số hóa.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm