Chuyển đổi số

Khoảng 500.000 khoản vay được giải ngân/ngày, Fintech dẹp loạn tín dụng đen

DNVN - Nhu cầu chia sẻ dữ liệu xác thực để cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện rất lớn. Nếu giải được bài toán này, các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính) sẽ kiếm được lượng người dùng khổng lồ từ chính các công ty tín dụng đen, góp phần dẹp loạn được nạn cho vay tín dụng đen.

Lotte muốn đầu tư vào fintech và phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam / Doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech liệu có gặp rủi ro vì thiếu sandbox?

Chia sẻ tại buổi hội thảo về các giải pháp chuyển đổi số cho ngành tài chính vừa được FPT Software tổ chức, ông Nguyễn Trung Đức, Tổng giám đốc Bảo Kim cho biết, thị trường tài chính tại Việt Nam hiện chia thành 2 mảng là bank (ngân hàng) và unbank (tín dụng đen). Ở đó, tín dụng đen hiện chiếm khoảng 80% thị trường cho vay tiêu dùng trong nước.
Cũng theo ông Đức, nhóm các công ty cho vay trực thuộc ngân hàng như FE Credit, Home Credit, ACS, MB Credit có lượng tiền cho vay hàng tháng rất lớn. Thống kê của tháng gần đây nhất cho thấy, 4 công ty này có tổng cộng 125.000 khoản giải ngân mỗi ngày. Tổng giá trị các khoản giải ngân của 4 doanh nghiệp này là khoảng 570 tỷ đồng, đều là các khoản vay tiền mặt, với mục đích tiêu dùng và mua sắm.
Theo ông Nguyễn Trung Đức, nhu cầu của thị trường hiện gấp tới 7 lần so với số lượng khoản vay được giải ngân bởi các ngân hàng. Nói một cách khác, việc giải ngân của các ngân hàng chưa giải quyết được nhu cầu của phần đông dân chúng. Chính vì thực tế này, sẽ xuất hiện các công ty có tiềm lực tài chính ra đời với mục đích chia sẻ nguồn vốn của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây cũng là lý do dẫn tới sự xuất hiện của tín dụng đen.
Để có thể cho vay, người có vốn cần phải biết được thông tin đảm bảo về người vay. Thế nhưng, có một thực tế là nhu cầu về vốn tại Việt Nam thì nhiều, trong khi việc quản lý thông tin tín dụng lại không theo kịp. Do vậy, người có vốn không thể biết lịch sử tài chính của người cần vốn. Ở chiều ngược lại, người cần vốn vì thế buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Dự kiến đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 khoản vay tín dụng được giải ngân mỗi ngày. Để giải ngân số khoản vay khổng lồ này, đơn vị cho vay cần kiểm tra rất nhiều thông tin khách hàng trước khi chấp nhận cấp vốn.
Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) và Công ty CP Thông tin tín dụng Việt Nam hiện là 2 đơn vị sở hữu nhiều dữ liệu tài chính nhất trên cả nước. Tuy nhiên, những công ty này mới chỉ có khoảng 15-20% dữ liệu tài chính của người dân Việt Nam, các dữ liệu này tổng hợp được từ hệ thống của các ngân hàng.
Hiện tại, các mô hình quản lý dữ liệu khách hàng truyền thống đang có một “điểm đau” (pain point) rất lớn do không thể cập nhật được thông tin. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng lại thay đổi không ngừng.
Tổng giám đốc Bảo Kim cho rằng, điều này chỉ có thể được giải quyết bằng việc áp dụng công nghệ Blockchain trong mô hình lưu chuỗi data. Hệ thống này cho phép truy xuất dữ liệu với tính bảo mật cao. Các bên tham gia vào hệ thống có thể chia sẻ thông tin của mình và sử dụng thông tin của người khác, tuy nhiên không bên nào có thể lưu trữ thông tin của bên nào.
Ví dụ, giả sử các nhà mạng đưa cơ sở dữ liệu của họ vào hệ thống Blockchain dùng chung. Khi công ty tín dụng cần xác thực một số điện thoại có phải của người dùng nào đó hay không, họ có thể truy vấn dữ liệu trên hệ thống bằng cách đặt câu hỏi đúng hay sai. Với cách làm này, dữ liệu vẫn được chia sẻ trong khi thông tin số điện thoại cụ thể của khách hàng sẽ không bị tiết lộ.
Chuyển đổi số trong ngành tài chính sẽ tháo gỡ "điểm đau" trong chia sẻ dữ liệu, góp phần dẹp loạn cho vay tín dụng đen.

Chia sẻ tại câu chuyện thực tế triển khai Fintech tại Đài Loan, bà Estele Gonzalez, Giám đốc Marketing toàn cầu của hãng công nghệ ThinkPower (Đài Loan) cho biết, lĩnh vực Fintech tại Đài Loan xuất hiện từ sớm, tuy nhiên tốc độ phát triển chậm so với tiềm năng là do 3 nguyên nhân chính gồm: Hạn chế về mặt pháp lý, các ngân hàng ngại chia sẻ dữ liệu; độ sẵn sàng của các bên tham gia về chia sẻ dữ liệu; và hạn chế về mặt kỹ thuật, không biết lựa chọn triển khai công nghệ gì.
Đề cập đến vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, bà Estele Gonzalez cho hay, Đài Loan không có luật bắt buộc các ngân hàng phải chia sẻ dữ liệu, nhưng đã đưa ra những chính sách khuyến khích. Kết quả là hiện đã có 24 ngân hàng ở Đài Loan đã kết nối chia sẻ, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy Fintech phát triển. Trong đó có 3 ngân hàng số đồng ý kết nối API để lấy dữ liệu. Ngoài ra, Đài Loan cũng đã có ứng dụng Money Booth tích hợp 27 ngân hàng khác nhau, những người dùng ứng dụng Money Booth này có thể sử dụng dữ liệu ở 27 ngân hàng.
“Để chia sẻ dữ liệu thì các ngân hàng cần có cách an toàn nhất, các ngân hàng sẽ tích hợp các platform có khả năng phân quyền truy cập các vùng dữ liệu”, bà Estele Gonzalez nhấn mạnh.
Đại diện ThinkPower cho biết, hãng công nghệ này đang làm cùng FPT về ngân hàng mở sử dụng công nghệ để kết nối các công cụ chatbot, blockchain cho giao dịch an toàn. ThinkPower và FPT cũng đang cùng xây dựng hệ thống tích điểm thưởng cho tập đoàn tài chính lớn của Đài Loan.
Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm