Kiến nghị dùng chính sách ưu đãi thuế làm "cú huých" để doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số
Kinh doanh thời dịch COVID-19: Chuyển đổi số thật nhanh hay là chết? / Chuyển đổi số - Xu hướng mới trong vận hành doanh nghiệp
Tại Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa - thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), đã bày tỏ mong muốn có thể tìm được giải pháp nhằm hỗ trợ một cách hiệu quả nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa - thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).
Theo ông Hùng, ngoài các văn bản hành lang pháp lý của Chính phủ ban hành cho DN triển khai khá hiệu quả thời gian qua thì vẫn cần có những giải pháp cụ thể hơn, mang tính chất cầm tay chỉ việc đối với DN nhỏ và siêu nhỏ để triển khai và áp dụng chuyển đổi số một cách khả thi nhất.
Tại Hội nghị, ông Hùng cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất của mình với mong muốn Hội nghị có thể cân nhắc để đưa vào một chương trình nghị sự năm 2020 nhằm giải quyết được những vấn đề khó khăn của DN nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Ông cho rằng, chúng ta đang nói về chuyển đổi số, nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự ban hành những đạo luật cụ thể về các bộ tiêu chuẩn thế nào được gọi là: DN số, DN chuyển đổi số và DN áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Theo ông Hùng, bộ tiêu chuẩn này là cực kỳ quan trọng. “Nó giống như kim chỉ nam giúp DN nhỏ và vừa biết đường để mà đi. Họ sẽ dễ hơn trên con đường chuyển đổi số của mình”.
Từ đó, ông cũng đưa ra đề nghị về phía Hiệp hội DN nhỏ và vừa cũng như Hội nghị sẽ tìm ra được những giải pháp ưu tiên về thuế quan cũng như thuế xuất cho những DN có cùng mặt hàng mà họ đã áp dụng được chuyển đổi số thành công, hoặc họ đã áp dụng được khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất lao động. Ông Hùng cho rằng, chúng ta nên có nhiều mức thuế xuất khác nhau (có thể là giảm hoặc miễn thuế VAT cho các DN đã áp dụng được khoa học công nghệ), từ đó mới có thể tạo ra được một cú hích, tạo sự khác biệt giữa các DN không áp dụng được chuyển đổi số và DN áp dụng thành công chuyển đổi số vào vận hành DN.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016 liên quan đến việc DN tư nhân được trích lại 10% thu nhập DN trước thuế để đầu tư vào quỹ phát triển KHCN. Ông cho rằng nếu như đặt mục tiêu là chuyển đổi số thành công thì quy định này cần phải được sửa đổi ngay và luôn. Theo ông Hùng, 10% thu nhập DN trong mùa dịch Covid-19 như hiện nay trong khi các DN hầu như không có lợi nhuận thì sẽ rất khó để thực hiện.
Từ đó, ông có đề xuất nên phân chia các loại hình DN khác nhau như DN sản xuất có thể trích lập quỹ dự phòng lên đến 70% lợi nhuận vì DN sản xuất cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn rất nhiều so với các DN thương mại. Còn các loại hình DN khác có thể giảm tỷ lệ xuống nhưng phải có hành lang pháp lý rõ ràng và phải thực hiện ngay trong năm 2020 thì mới có thể có cú hích trong câu chuyện DN sẵn sàng tích lũy tài chính để đầu tư vào quỹ phát triển khoa học công nghệ cho DN của mình.
“Chuyển đổi số cần phải có những nguồn lực để hấp thu chuyển đổi số. Nguồn lực này sẽ liên quan nhiều đến việc đào tạo nhằm thay đổi ý thức về tư duy chuyển đổi số cho cộng đồng DN. DN muốn chuyển đổi số mà nhân sự lại không biết tư duy chuyển đổi số là gì thì sẽ rất khó. Trong khi đó giới chủ DN lại khó đào tạo cho nhân sự của họ vì họ không có kỹ năng đó”, ông Hùng cho biết thêm.
Vì vậy, ngoài việc trích quỹ đầu tư vào khoa học công nghệ như đã nói ở trên, ông Hùng cho rằng, nguồn lực của DN vừa và nhỏ hiện tại rất mỏng, cần phải có thêm các quỹ tư nhân, cũng như cần phải gây quỹ từ nhiều nguồn khác nhau (nguồn lực trong dân hoặc quốc tế…) để tham gia vào việc chuyển đổi số thành công cho DN thì mới hiệu quả được.
Đồng thời ông Hùng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trở thành cơ quản chủ quản để hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi số. Nếu được như vậy thì việc chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động tại DN sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Hội nghị được tổ chức với mục đích giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong "thời đại bình thường mới" hiện nay. Từ đó, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo