Chuyển đổi số

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh

Bán hàng và mua hàng qua livestream đang ngày càng phổ biến. Nền kinh tế số đã thay đổi cách thức vận hành doanh nghiệp.

Gojek cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ tại Hà Nội / CUVO Camera AI đèn an ninh – tân binh camera thông minh Việt Nam sắp ra mắt

Nền công nghiệp livestream

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh và mạnh nhất. Năm vừa qua, thương mại điện tử cùng việc livestream bán hàng trên mạng xã hội đã tạo ra nền tảng cho một nền kinh tế livestream.

Trung Quốc là nơi livestream kết hợp mạnh nhất với thương mại điện tử. Dự kiến năm nay, lĩnh vực này đạt trên 300 tỷ USD doanh thu.

Tại Việt Nam, dù còn mới mẻ nhưng cũng đã có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50 nghìn nhà cung ứng sản phẩm.

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

Nhiều nông dân đã "đổi đời" nhờ livestream bán hàng online. Ảnh: Dân trí.

Chị Ma Thị Chú - xã Lùng Vai, Mường Khương, Lào Cai - cho biết mỗi buổi livestream có thể bán được từ 5 - 8 tạ quýt. Huyện Mường Khương nơi chị ở áp dụng việc livestream giúp tiêu thụ được 800 trên tổng số 3.000 tấn thu hoạch của toàn huyện.

Ngay cả các tập đoàn lớn cũng bắt đầu bước chân vào cuộc đua livestream.

Nếu như trước kia, nhiều người nghĩ livestream chỉ là để gây ảnh hưởng trên mạng thì nay livestream bán hàng có thể đạt doanh thu hàng tỷ USD.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP đặt mục tiêu chiếm khoảng 11,5%

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021" của Google Temasek và Bain & Company, so với năm 2020, kinh tế Internet của Việt Nam năm qua đã tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của riêng thương mại điện tử.

Khi thị trường thay đổi, cách thức vận hành của các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để nhanh chóng thích ứng. Trong năm nay, Chính phủ đặt trọng tâm tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là cơ hội và cũng là áp lực để kinh tế số phát triển nhanh hơn và mạnh hơn trong thời gian tới.

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Dân trí.

Công ty Nam Dược đã phải vượt qua khoảng thời gian khó khăn khi chuyển đổi số, toàn bộ nhân lực phải đào tạo lại để thích ứng với công nghệ, những chi phí không nhỏ cho việc chuyển đổi. Kinh tế số đã thấm vào các doanh nghiệp nhanh chóng, nhất là khi 2 năm qua ảnh hưởng dịch bệnh ngày càng tăng cao đặt doanh nghiệp vào lựa chọn sống còn cho sự phát triển của mình.

"Chuyển đổi số giúp công ty kiểm soát chất lượng sản phẩm do kiểm soát hồ sơ lưu điện tử và truy xuất được nguồn gốc nguyên phụ liệu tăng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, đặc biệt trong dịch bệnh", ông Hoàng Minh Châu - Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Dược nói.

Nhưng không chỉ thay đổi nội tại của doanh nghiệp, Việt Nam còn được nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào lĩnh vực số. Chỉ nửa đầu năm vừa qua, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp số của Việt Nam đã đạt mức 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của các năm trước.

Công ty GIMO mới được thành lập 2 năm qua, nhưng đã được rót vốn 1,9 triệu USD và là một trong 5 thành viên được lựa chọn vào vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới.

"Kinh tế số là chìa khóa để Việt Nam bứt tốc nhanh trong thời gian ngắn và gia tăng lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác", ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc điều hành Công ty GIMO cho hay.

Trong năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đặt mục tiêu chiếm khoảng 11,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Tuy nhiên, từ sự thay đổi của doanh nghiệp đến những mục tiêu lớn hơn của nền kinh tế số cũng vẫn là quãng đường dài.

"Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy nhận thức của mọi người vì chuyển đổi số dẫn dắt mọi người từ không gian truyền thống sang không gian số phụ thuộc vào nhận thức. Bên cạnh đó là thách thức về thiếu hụt nhân lực cả chuyên gia, nhân lực phổ thông và kỹ năng số của người dân", ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

Kinh tế số là một trong 3 trụ cột xây dựng quốc gia số. Các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số bên cạnh tài nguyên truyền thống. Sử dụng tài nguyên này ra sao để hiệu quả, để bắt kịp xu hướng số của thế giới là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Công nghệ và kinh tế số là chìa khóa giúp các quốc gia vượt qua đại dịch. Để hiện thực hóa những tiềm năng đó, đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao chất lượng hạ tầng số quốc gia cũng như chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với đó cần có cơ chế pháp lý phù hợp và chặt chẽ để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trên nền tảng số.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm