Chuyển đổi số

Luật Dữ liệu có hiệu lực từ 1/7: Nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Xây dựng nhà trường số trên nền khung năng lực số / Long An: Đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh

Luật gồm 5 chương với 46 điều, quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Chú thích ảnh
Thực hiện cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc để quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả dữ liệu - tài sản chiến lược của quốc gia trong kỷ nguyên số.

Dữ liệu là tài nguyên, là tư liệu sản xuất quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội thành lập Hiệp hội Dữ liệu quốc gia ngày 22/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành "năng lượng mới", thậm chí là "máu" của nền kinh tế số. Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển".

Luật Dữ liệu là một bước tiến quan trọng trong việc định hình chính sách quản lý dữ liệu số tại Việt Nam với mục tiêu bảo đảm an ninh, bảo vệ quyền lợi của chủ thể dữ liệu và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Luật xác định đối tượng áp dụng bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Dữ liệu là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các trung tâm dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước. Luật cũng quy định rõ ràng về việc quản lý dữ liệu trong khu vực tư nhân, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Điều này tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Luật khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như tình trạng khẩn cấp, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, thảm họa, phòng, chống bạo loạn, khủng bố, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải cung cấp dữ liệu theo yêu cầu mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Quy định này giúp Chính phủ có thể nhanh chóng tiếp cận và xử lý thông tin quan trọng khi có sự cố nghiêm trọng.

Bảo vệ dữ liệu là một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Dữ liệu 2024. Các biện pháp bảo vệ dữ liệu được quy định rõ ràng, bao gồm: Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu; quản lý chặt chẽ hoạt động xử lý dữ liệu; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu; đào tạo nhân sự để nâng cao nhận thức về an toàn dữ liệu. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an toàn dữ liệu trong lĩnh vực mình quản lý, đồng thời thiết lập hệ thống bảo vệ dữ liệu thống nhất trên toàn quốc.

Ông Phan Đức Trung (Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Công ty 1Matrix) và ông Nguyễn Phú Dũng (Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, người sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn PILA) có chung nhận định, Luật Dữ liệu thiết lập một khung pháp lý toàn diện và thống nhất, điều chỉnh xuyên suốt các hoạt động thu thập, phân loại, lưu trữ, khai thác, chia sẻ và xử lý dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu xuyên biên giới. Không chỉ là hành lang pháp lý cho các hoạt động thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu, Luật còn là công cụ để thiết lập niềm tin số - yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính và tài sản số, ông Phan Đức Trung cho rằng, cơ chế hậu kiểm và nguyên tắc “trao quyền” cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai, quản lý và bảo vệ dữ liệu được quy định trong Luật Dữ liệu thể hiện định hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo có kiểm soát và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp. Luật Dữ liệu là một dấu mốc mang tính chiến lược trong tiến trình hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế số tại Việt Nam, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu trong nền kinh tế số. Ông Phan Đức Trung tin tưởng, Luật Dữ liệu sẽ trở thành nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế số nói chung và thị trường tài sản số nói riêng.

Từ góc độ của doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Phú Dũng đánh giá cao định hướng của Luật Dữ liệu trong việc thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm và bình đẳng trong xử lý dữ liệu. Đây chính là tiền đề để Việt Nam phát triển các mô hình kinh tế dữ liệu, bảo vệ chủ quyền số và hội nhập quốc tế chủ động, bền vững.

Kiến tạo nền kinh tế số bền vững và minh bạch

Luật Dữ liệu có hiệu lực mở ra chương mới trong việc kiến tạo nền kinh tế số bền vững và minh bạch. Trong thời đại dữ liệu là “nguyên liệu” của đổi mới sáng tạo và là tài sản chiến lược của quốc gia, việc có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số một cách hiệu quả và an toàn.

Luật không chỉ giúp xác lập các chuẩn mực pháp lý về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong hệ sinh thái dữ liệu mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân khi tham gia vào các hoạt động số. Đặc biệt, khi được thực thi đồng bộ với các cơ chế như định danh số, chia sẻ dữ liệu mở, bảo vệ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam tin rằng Luật sẽ góp phần phát triển môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí. Đặc biệt, việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ tạo dựng niềm tin cho khách hàng và người dùng trên không gian mạng. Đối với doanh nghiêp công nghệ, dữ liệu là nền tảng cốt lõi của trí tuệ nhân tạo và được xem như "mỏ vàng". Các doanh nghiệp công nghệ có thể phát triển sản phẩm, dịch vụ số với hiệu quả và tốc độ cao hơn.

“Với các doanh nghiệp công nghệ, Luật Dữ liệu có tác động rất rõ rệt, trực tiếp và mang tính định hướng dài hạn. Luật quy định cụ thể về nghĩa vụ phân loại dữ liệu (Điều 13), xác định và quản lý rủi ro về quyền riêng tư, an toàn thông tin (Điều 25), bảo vệ dữ liệu (Điều 27), đảm bảo an toàn dữ liệu (Điều 43)”, ông Phan Đức Trung chia sẻ.

Theo ông Phan Đức Trung, 1Matrix là doanh nghiệp xây dựng và vận hành mạng blockchain dịch vụ “Make in Việt Nam”, cung cấp giải pháp blockchain toàn diện cho cả khu vực công - tư càng phải tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ các quy định của Luật Dữ liệu. Bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, hướng tới mục tiêu xây dựng mạng blockchain dịch vụ “Make in Việt Nam”, ngay từ ngày đầu tháng lập, 1Matrix đã tích cực triển khai hạ tầng kỹ thuật, thiết kế quy trình phân loại và quản trị dữ liệu, đào tạo đội ngũ nhân sự đạt chuẩn nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, với trách nhiệm xã hội và vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, 1Matrix sẵn sàng tham gia đóng góp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, tư vấn chính sách và đào tạo chuyên gia để cùng các cơ quan quản lý thúc đẩy phát triển kinh tế số bài bản, kỷ cương và bền vững.

“Là doanh nghiệp công nghệ trẻ, việc Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu củng cố sâu sắc hơn niềm tin chiến lược mà chúng tôi theo đuổi là sử dụng công nghệ để kiến tạo nền kinh tế số an toàn, minh bạch và bền vững”, ông Nguyễn Phú Dũng cho biết.

PILA hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng dữ liệu số, định danh số phi tập trung và minh bạch dữ liệu là những lĩnh vực cốt lõi được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Dữ liệu. Vì vậy ông Nguyễn Phú Dũng cho rằng khi khung pháp lý trở nên rõ ràng, nhất quán và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp có thêm cơ sở pháp lý vững chắc để đầu tư, triển khai các nền tảng công nghệ mới. Quan trọng hơn, Luật Dữ liệu thể hiện sự cam kết của Nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường dữ liệu, khuyến khích chia sẻ dữ liệu công - tư có kiểm soát, bảo vệ quyền riêng tư và định danh số của người dân. Đây chính là những điều kiện cần thiết để hình thành một hệ sinh thái dữ liệu có trách nhiệm, giúp các giải pháp do PILA phát triển như định danh số, xác thực dữ liệu xuyên biên giới, dữ liệu minh bạch truy xuất… có thể phát huy tối đa giá trị.

Từ những chia sẻ của những người đứng đầu doanh nghiệp công nghệ, có thể thấy, Luật Dữ liệu là hành lang pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, đưa dữ liệu trở thành tài sản có thể luân chuyển, tạo giá trị cho mọi chủ thể trong nền kinh tế. Đây cũng là nền móng thể chế quan trọng nhất để doanh nghiệp công nghệ tư nhân như 1Matrix, PILA chủ động đóng góp và đồng hành trên hành trình kiến tạo tương lai số.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm