Chuyển đổi số

Lý do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý đổi tên Bộ TT&TT thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số

DNVN - Theo Thủ tướng Chính phủ, việc đổi sang tên mới của Bộ là do Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Kinh tế số là đôi cánh, đường bay tới đích thịnh vượng, hùng cường.

Thách thức trong tuyển dụng nhân tài ngành truyền thông và quảng cáo / Vingroup, Viettel ghi tên Việt Nam trong 5 nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được thiết bị 5G

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT vào 28/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ TT&TT đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu đề xuất đổi tới Bộ cho phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

“Trong nhiệm kỳ mới, Bộ TT&TT mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và Kinh tế số", Thủ tướng gợi ý tên mới thay thế cho Bộ TT&TT.

Việc đổi sang tên mới của Bộ là do Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Kinh tế số là đôi cánh, đường bay tới đích thịnh vượng, hùng cường.

Việc đổi tên mới cho Bộ TT&TT cho phù hợp với xu thế phát triển của ngành ICT đã được nêu ra cách đây 1 năm, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT vào đầu tháng 1/2019.

Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2020 Thủ tướng sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Trên cơ sở Đề án, các bộ, ngành và tỉnh, thành ban hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Bộ TT&TT phải đi đầu về chuyển đổi số các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông.

Về vấn đề an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết của chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Bảo vệ an toàn, an ninh mạng chính là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Trung tâm Quốc gia về giám sát an toàn thông tin không gian mạng phải được tiếp tục đầu tư để đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh, tích cực.

“Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các doanh nghiệp CNTT và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược Make in Vietnam.

Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G.

Bộ TT&TT cần đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách 4.0 mà Bộ trưởng đã ký với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Về báo chí, truyền thông, Thủ tướng nêu rõ báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thực hiện nghiêm túc, chủ động Quy hoạch Báo chí đã được phê duyệt, không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch.

Hệ thống thông tin cơ sở như loa phường, xã, thậm chí tuyên truyền miệng, được xem là hệ thống tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất. Bộ TT&TT cần có đề án và chỉ đạo đổi mới công nghệ của hệ thống này

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đều biết “4 con hổ” là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á. “Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta.

Vậy sau “4 con hổ, liệu Việt Nam có trở thành con hổ thứ 5 hay không”, câu trả lời là có thể. Có thể là bởi Việt Nam có con chim Lạc như truyền thuyết con cháu Lạc Hồng. Các con hổ đều khỏe hơn, chạy tốc độ cao hơn, nhanh hơn, con chim sức yếu hơn, chậm hơn nhưng tốc độ về đích nhanh hơn con hổ vì đường chim bay bao giờ cũng ngắn, thông thoáng, linh hoạt hơn đường bộ - Thủ tướng ví von và nhấn mạnh: Đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng XHCN, hiện thực hóa khát vọng 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm