Chuyển đổi số

Năm 2025: Sản phẩm an ninh mạng trong nước chiếm 75%, xuất khẩu ra các nước

DNVN - Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam đáp ứng đầu đủ một hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng. Phấn đấu đến 2025, sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam chiếm trên 75% thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ TT&TT: Năm 2020, Việt Nam sẽ có 200 doanh nghiệp an ninh mạng / Bị loại khỏi Diễn đàn An ninh mạng thế giới, Huawei phát hành sách trắng về bảo vệ quyền riêng tư

Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam chính thức được ra mắt sáng 28/12/2019.

Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam chính thức được ra mắt sáng 28/12/2019.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2020 của Bộ TT&TT vào sáng 28/12, Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam chính thức được ra mắt, gồm 21 thành viên là các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng.

Tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết: Theo thống kê, trên 80% sản phẩm an toàn thông tin mạng đang sử dụng tại Việt Nam hiện nay được nhập khẩu trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ và có thể đáp ứng được trên 60% gồm một hệ sinh thái an toàn an ninh mạng đầy đủ.

Bộ TT&TT đã giao nhiệm vụ và lộ trình cụ thể để phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng đầy đủ của Việt Nam với các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo niềm tin mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt đặc biệt là sản phẩm bảo vệ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Mục tiêu đặt ra đến 2020, sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam đáp ứng đầu đủ một hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng. Phấn đấu đến 2025, sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam chiếm trên 75% thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc thành lập liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa mục tiêu nêu trên.

 

Liên minh gồm 21 thành viên ban đầu cam kết tập trung nguồn lực, phát huy thế mạnh đặc thù của từng doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, hình thành một hệ sinh thái đầy đủ của Việt Nam. Sản phẩm của các doanh nghiệp trong liên minh có khả năng tương thích, kết nối, liên kết với nhau, trở thành bộ giải pháp hoàn chỉnh phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cam kết đồng hành cùng nhau trong việc bảo vệ các hệ thống thông tin của Việt Nam và Bộ TT&TT có vai trò định hướng phát triển, điều phối chung để hỗ trợ các doanh nghiệp trong liên minh.

Theo kế hoạch, Bộ TT&TT cũng sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về an toàn an ninh mạng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong liên minh thông qua các hoạt động nghiên cứu, triển khai, đào tạo, diễn tập, sử dụng các sản phẩm do chính các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 84 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó nổi bật là Viettel, VNPT, BKAV, CMC và FPT. Quy hoạch phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam gồm 8 nhóm với 24 dòng sản phẩm chủ lực, cơ bản tạo thành một hệ sinh thái đầy đủ cho Chính phủ điện tử. Đánh giá, công bố 06 sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có 4 sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại do doanh nghiệp trong nước hoàn toàn làm chủ công nghệ.

Bộ TT&TT đã đề ra nhiệm vụ trong năm 2020 đối với lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, bao gồm: Tổ chức giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Đại hội đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Tiếp tục tổ chức các chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hình thành Mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng.

 

Thiết lập và vận hành trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về an toàn không gian mạng. Thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng. Thúc đẩy Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Tổ chức chiến dịch tuyên truyền “Make in Viet Nam” trong công nghiệp an toàn, an ninh mạng.

Sử dụng công nghệ (AI, Big Data) để liên tục theo dõi, phát hiện, phân loại, ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam trong việc gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, giả mạo trên không gian mạng.

Quyên Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm