Chuyển đổi số

Mỗi năm Đà Nẵng cần bổ sung khoảng 8.000 nhân lực công nghệ thông tin

DNVN - Trong giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực công nghệ thông tin/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng.

Khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ cao thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu / Tri ân những người hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng

CNTT đã trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn

Sáng 30/11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) tổ chức Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) tại TP Đà Nẵng” với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các đối tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực CNTT; các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu khai mạc Tọa đàm

Bà Ngô Thị Kim Yến-Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, thời gian qua CNTT với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Giai đoạn 2015 - 2020, tăng trưởng doanh thu CNTT đạt đến 20%/năm. Tuy phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 nhưng năm 2021, ngành công nghiệp CNTT – truyền thông (TT) vẫn tăng trưởng gần 10,5% và đóng góp 8,23% GRDP TP Đà Nẵng.

Tổng doanh thu toàn ngành CNTT – TT Đà Nẵng năm 2022 ước gần 34.300 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng gần 12% so cùng kỳ 2021. Đặc biệt, theo Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bộ TT&TT, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%).

Sự phát triển lĩnh vực CNTT của Đà Nẵng đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận: 12 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển CNTT; năm 2019 được trao giải thưởng ASOCIO Smart City của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO);

3 năm liền đạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (2020-2022); 2 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đà Nẵng cũng được bình chọn là 1 trong 5 TP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong 30 TP thông minh mới nổi độc đáo và sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố…

Theo tính toán, nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người.

Theo tính toán, nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người.

Bài toán cung cầu về nhân lực CNTT

Theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số. Đà Nẵng xác định công nghiệp CNTT là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

“Để đạt mục tiêu đó, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực CNTT là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Đà Nẵng. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, TP xác định bên cạnh môi trường chính trị - xã hội ổn định, môi trường pháp lý thuận lợi thì nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lợi thế quyết định tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư”, bà Ngô Thị Kim Yến nói.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, đến cuối năm 2021 trên địa bàn ước tính có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó phần lớn tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Theo tính toán, nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng, giai đoạn 2022 - 2025 cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm; giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Khảo sát của Viện Chiến lược CNTT (Bộ TT&TT) cho thấy chỉ có khoảng 15% sinh viên CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp; 72% sinh viên tốt nghiệp không có kinh nghiệm, thực hành; 42% sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào giải quyết cung cầu nhân lực CNTT giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường bảo đảm sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng.

“Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực CNTT của TP, tôi kỳ vọng qua tọa đàm lần này, các bên liên quan, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo sẽ tăng cường kết nối, thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực CNTT trong thời gian tới. UBND TP Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT”, bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm