Chuyển đổi số

Netflix mỗi năm thu 30 triệu USD ở Việt Nam, nhưng vẫn kinh doanh ngoài vòng pháp luật

DNVN - Doanh thu của Netflix ở Việt Nam mỗi năm lên đến 30 triệu USD, nhưng Netflix không chịu sự quản lý như các doanh nghiệptrong nước. Điều này tạo sự bất bình đẳng trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Cảnh báo game "bẩn" phát hành xuyên biên giới thu tiền ở Việt Nam chuyển ra nước ngoài / Samsung, LG, Sony, TCL cam kết gỡ bỏ ứng dụng Netflix ra khỏi Smart TV

Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018 (8.100 tỷ đồng). Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 16,5 triệu thuê bao, tăng 7,7% so với năm 2018 (15,3 triệu thuê bao).

Báo cáo của Bộ TT&TT cũng cho biết, một bất cập trong thị trường truyền hình trả tiền vẫn tồn tại bấy lâu nay, đó là hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu được một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng lại chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ, chưa đóng các loại phí, thuế, chưa thực hiện biên tập nội dung. Điều này tạo sự bất bình đẳng trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Báo cáo của Bộ TT&TT nêu ví dụ cụ thể, Netflix cung cấp dịch vụ vào Việt Nam từ 2016 tới nay, hiện có khoảng 300.000 thuê bao ở Việt Nam. Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, như vậy doanh thu của Netflix ở Việt Nam mỗi năm cũng lên đến 30 triệu USD, nhưng Netflix không chịu sự quản lý như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.

a


Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cung cấp qua nền tảng Internet (OTT) xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016 khi Netflix và iFlix cung cấp phiên bản tiếng Việt và thu tiền bằng đồng Việt Nam. Vào thời điểm đó đã dấy lên lo ngại về tính pháp lý khi hai ứng dụng xuyên biên giới này khai thác kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu phí phải đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nội dung trước khi cung cấp cho người dùng phải tuân thủ các quy định về biên tập, biên dịch và quản lý nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, thì các ứng dụng OTT nước ngoài lại mặc sức khai thác thị trường Việt Nam nhưng chưa chịu bất cứ sự quản lý, cũng như không thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.

Tuy nhiên, trong mấy năm qua cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng trong quản lý các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới thì giới kinh doanh và sản xuất nội dung trên Internet lại tiếp tục chứng kiến sự “xâm lấn” thị trường của các ứng dụng OTT xuyên biên giới của Trung Quốc là WeTV và iQIYI. Từ giữa năm 2019 người dùng Việt Nam có thể tải hai ứng dụng này và có thể đăng ký mua gói VIP bằng tiền Việt Nam.

Trên hai ứng dụng OTT đến từ Trung Quốc cung cấp một khối lượng rất lớn nội dung phim lẻ, phim bộ, phim truyền hình, các game show do các hãng truyền hình, điện ảnh của Trung Quốc. Chỉ cần tải ứng dụng về, chưa cần đăng ký tài khoản là có thể xem miễn phí hàng ngàn bộ phim, chương trình gameshow, với rất nhiều nội dung mới được cập nhật hàng ngày.

Bên cạnh đó, trong năm 2019 tiếp tục xuất hiện ứng dụng Apple+ và Disney+ cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, bán thuê bao ở Việt Nam.

 

Đối với mảng nội dung truyền hình, phim ảnh, pháp luật Việt Nam quản lý rất chặt chẽ, nhưng các ứng dụng xuyên biên giới nước ngoài tràn vào thị trường thì nhà nước chưa thể quản lý, cũng không thể ngăn chặn. Điều này có nguy cơ gây rối loạn thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Nếu nhà nước không nhanh chóng có biện pháp quản lý, chắc chắc thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam sẽ là cuộc đấu khốc liệt của các OTT xuyên biên giới. Còn các doanh nghiệp OTT trong nước sẽ ngày càng teo tóp và khó có thể phát triển được.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó sẽ bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Quy định sửa đổi sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không bảo hộ ngược, hình thành cơ sở pháp lý để ngăn chặn hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Quyên Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm