Chuyển đổi số

Cảnh báo game "bẩn" phát hành xuyên biên giới thu tiền ở Việt Nam chuyển ra nước ngoài

Cục PTTH&TTĐT lên tiếng cảnh báo một số doanh nghiệp trong nước đứng tên xin giấy phép cung cấp dịch vụ game nhưng thực chất chỉ là đại lý, là "vỏ bọc", "bình phong" để phát hành game cho các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam là trung gian đứng ra thu tiền ở Việt Nam và chuyển tiền về cho công ty ở nước ngoài.

VINASME và Hiệp hội Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc trao đổi về hỗ trợ SME Việt - Hàn / Giải pháp giúp DNNVV bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 16/7/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Các doanh nghiệp này trong thời gian qua đã cung cấp một số game tiếng Việt, thanh toán bằng tiền Việt qua App Store, Google Play Store.

Cuộc họp nhằm mục đích trao đổi những quy định về pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý dịch vụ game online và giải đáp thắc mắc liên quan đến chính sách pháp luật của Việt Nam với các doanh nghiệp game nước ngoài, để giúp các doanh nghiệp hiểu một cách chính xác về quy định pháp luật và tuân thủ đúng các quy định này khi kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Gỡ bỏ 142 game phát hành trái phép vào Việt Nam

Tại cuộc họp, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, thời gian qua đã có nhiều thông tin không chính xác, sai lệch về các chính sách quản lý game online của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, do đó Cục thấy cần thiết phải gặp gỡ, trao đổi với các công ty game nước ngoài để hiểu cho đúng. Trong năm 2018, Cục PTTH&TTĐT đã cấp giấy phép phê duyệt kịch bản cho 175 game online phát hành tại Việt Nam, trong đó có 95% game được sản xuất tại Trung Quốc, con số giấy phép này cao hơn 20% so với số game được cấp phép năm 2017.

Qua rà soát, thống kê, Cục PTTH&TTĐT phát hiện một số trò chơi điện tử phát hành phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store, có hành vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game có nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; game dù không có nội dung vi phạm nhưng lại phát hành không phép.

Sau khi xác định các game vi phạm, Bộ sẽ thực hiện các biện pháp xóa, chặn ứng dụng game khỏi Google Play Store, App Store, đồng thời thực hiện các biện pháp chặn dòng tiền thanh toán cho game.Trong thời gian từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã thiết lập cơ chế phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo cho các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, trên hai chợ ứng dụng đã gỡ bỏ tổng cộng 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực.

Việt Nam không cho phép cung cấp game cờ bạc

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh đến những điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài phát hành game vào Việt Nam, đó là: Game cung cấp vào thị trường Việt Nam là phải được cấp phép, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà không được cấp phép.

Điểm thứ hai mà các doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý, game muốn hoạt động tại Việt Nam phải hợp tác với 1 doanh nghiệp ở Việt Nam để được cấp phép hoạt động theo quy định. Vừa qua có một số game đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam có những biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam dẫn đến cơ quan chức năng phải thực hiện biện pháp ngăn chặn.

“Từ hiến pháp, đến luật, nghị định đều cấm phát hành game cờ bạc, vì vậy bất cứ 1 doanh nghiệp Việt Nam nào nói rằng cứ cung cấp game cờ bạc vào Việt Nam đi, họ sẽ xin được giấy phép là họ cung cấp thông tin sai sự thật. Có thể ở nước các bạn game cờ bạc là hợp pháp, nhưng mong các bạn đừng cung cấp vào Việt Nam, chúng tôi không muốn mất tình bạn với các bạn”, ông Lê Quang Tự Do phát biểu.

Trong số các game mà Google và Apple gỡ bỏ thì đa số mang các nội dung như dung tục, hở hang, khiêu dâm, bạo lực, nhiều hình ảnh không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nếu những game này xin giấy phép thì cơ quan nhà nước Việt Nam cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải loại bỏ các hình ảnh hở hang quá mức, hình ảnh giết người ghê rợn. Những game cổ trang, lịch sử có nội dung kịch bản game không đúng với quan điểm chính thống về lịch sử Việt Nam cũng không được cấp phép.

  Game đánh bài bị nghiêm cấm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn)

Game đánh bài bị nghiêm cấm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn)

Đại diện Cục PTTH&TTĐT đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thông báo đầu mối của doanh nghiệp để liên lạc khi cần thiết, làm việc với Cục khi cần giải đáp các vấn đề về cung cấp game. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ các quy định về cung cấp game tại Việt Nam.Cảnh báo DN game nước ngoài dùng “vỏ bọc” phát hành vào Việt Nam

Theo đó, để có thể xin phép cung cấp dịch vụ game tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có 2 cách để xin giấy phép: Một là hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam, tiến hành thủ tục xin giấy phép. Hai là thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam và công ty nước ngoài được sở hữu tối đa 49% vốn.

Ông Lê Quang Tự Do cũng cảnh báo về tình trạng thời gian qua một số doanh nghiệp trong nước đứng tên xin giấy phép cung cấp dịch vụ game nhưng thực chất chỉ là đại lý phát hành game cho các doanh nghiệp nước ngoài. Việc hợp tác này thực chất chỉ là “vỏ bọc”, doanh nghiệp Việt Nam không phải là đơn vị kinh doanh thực sự mà chỉ là trung gian đứng ra thu tiền ở Việt Nam và chuyển tiền về cho công ty ở nước ngoài.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho hay, pháp luật Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, mở công ty ở Việt Nam nên nhà nước không khuyến khích doanh nghiệp game nước ngoài kinh doanh núp bóng các công ty “bình phong” hay đại lý ở trong nước. Điều này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa các nước, cũng như gây bất lợi cho chính thương hiệu, sản phẩm của các nhà phát hành game. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu lựa chọn hợp tác đúng luật với các doanh nghiệp trong nước đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện để cung cấp game vào Việt Nam.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm