Nhà mạng chặn gần 1,4 triệu tin nhắn rác dịp Tết Canh Tý 2020
Gặp nhau cuối năm 2020 bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên YouTube và Facebook / Hàng loạt tài khoản mạng xã hội mạo danh Cảnh sát giao thông
Theo thông tin tại buổi gặp mặt đầu năm của Bộ TT&TT ngày 30/1/2020 cho biết, trong dịp Tết Canh Tý 2020, về lĩnh vực viễn thông, để đáp ứng tối đa lưu lượng trong dịp Tết, các doanh nghiệp viễn thông, Internet đã mở thêm dung lượng mạng trong nước, đi quốc tế, nâng cao cấu hình các trạm 2G, 3G, 4G và tăng cường thêm các xe BTS lưu động tại các điểm tập trung đông người. Vì thế, trong dịp Tết Canh Tý, đặc biệt là đêm Giao thừa, lưu lượng cơ bản vẫn lưu thoát, không có hiện tượng nghẽn mạch.
Sản lượng điện thoại liên tỉnh, quốc tế và trên mạng di động không tăng nhiều so với năm 2019, duy nhất lưu lượng quốc tế chiều đi và về của Viettel đạt cao nhất tại thời điểm Giao thừa từ 1 đến 2 giờ sáng, tăng 94% so với ngày thường nhưng lưu lượng vẫn lưu thoát tốt, không tắc nghẽn. Dịch vụ dữ liệu (data) dịp Tết cao hơn ngày thường và cả Tết 2019. Cụ thể Viettel tăng 64% so với Tết 2019, cao hơn 26% so với ngày thường; VNPT tăng 9,64% so với Tết 2019, tăng 13% so với ngày thường…
Về an toàn an ninh mạng, trong dịp Tết Canh Tý không có cuộc tấn công mạng nào gây ảnh hưởng lớn, xảy ra trên diện rộng hoặc dẫn đến sự cố nguy hiểm đối với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Từ ngày 23/1/2020 đến hết ngày 27/1/2020, Cục An toàn thông tin (ATTT - Bộ TT&TT) đã ghi nhận 169 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 3% so với Tết 2019. Trong đó có 31 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 64 cuộc tấn công lừa đảo, 74 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Cục ATTT cũng tiếp nhận 343 phản ánh tin nhắn rác, tăng 15% so với Tết 2019. Doanh nghiệp viễn thông di động đã chặn 1.350.194 tin nhắn rác, tăng khoảng 20% so với Tết 2019. Tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trong dịp Tết là 8,08%, giảm 0,44% so với tuần trước.
Nhìn chung, Bộ TT&TT đã triển khai tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản, các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet, bảo đảm tốt nhiệm vụ ATTT.
Về các nhiệm vụ cần triển khai ngay sau Tết, Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tạo sự bứt phá trong năm 2020, nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế về bưu chính, viễn thông, Chính phủ điện tử, CNTT và ATTT. Đồng thời, trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ phương án, lộ trình nâng cao tỷ lệ smartphone tại Việt Nam, hướng tới tắt sóng 2G; đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6Ghz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bảo đảm ATTT, tăng cường công tác giám sát hệ thống để kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh mạng, sẵn sàng xử lý khi cơ sự cố xảy ra.
Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 là năm kết thúc của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và khởi tạo một kế hoạch 5 năm mới, cùng với đó là kế hoạch 10 năm hướng đến năm 2030. Chúng ta đã nghe quen hơn những thuật ngữ mới như khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, Make in Vietnam, doanh nghiệp công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ, kinh tế số, mobile money, sandbox, xã hội số, chủ quyền số quốc gia… Những từ này đã đi vào xã hội và tạo thành sức mạnh cho người dân, doanh nghiệp. Trách nhiệm của Bộ TT&TT là hiện thức hoá những tư tưởng đó vào từng lĩnh vực của mình bởi tất cả sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta quyết tâm theo đuổi chúng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo