Chuyển đổi số

Niesel Việt Nam: Dịch bệnh Covid-19 làm hành vi tiêu dùng thay đổi từ offline lên online

DNVN - Khảo sát của Nielsen cho thấy, có đến 64% người tiêu dùng sau dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục sử dụng kênh online làm kênh mua sắm chính của mình. Và có đến 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ đẩy mạnh mua sắm online thường xuyên hơn.

Thâm nhập "ma trận" khẩu trang: Kiếm bạc tỷ mỗi tháng / Chỉ sau 6 tháng Hoa Sen thực hiện được 95% mục tiêu lợi nhuận năm

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra rất nhiều thay đổi về hành vi người tiêu dùng cũng như tình hình kinh doanh tại Việt Nam. Những chuyển biến của nền kinh tế và xã hội sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bán lẻ và thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Câu hỏi đặt ra cho các chủ doanh nghiệp và những người đang làm kinh doanh là bao giờ thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường? Và với những thay đổi và thói quen và hành vi của người tiêu dùng như hiện tại thì làm thế nào để cho doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng với những sự thay đổi mới sau đại dịch?

Mới đây, Nielsen đã tổ chức Chương trình webinar có tên “ Hậu Covid-19 - sẵn sàng cho một cuộc sống mới” thu hút rất nhiều đối tượng tham gia.

Các chuyên gia hàng đầu của Nielsen tham gia chia sẻ tại chương trình

Các chuyên gia hàng đầu của Nielsen tham gia chia sẻ tại chương trình.

Tại sự kiện, các chuyên gia hàng đầu của Nielsen đã chia sẻ về tình hình thị trường trong dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nielsen cho biết, đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu và khảo sát ở nhiều quốc gia khác nhau và đưa ra con số thống kê:

Có 49% người tiêu dùng chấp nhận đổi giá cả để lấy những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo sức khỏe của họ và gia đình. Tại Việt Nam có đến 65% người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm hơn so với các tiêu chí khác. Và có 45% người Việt Nam dễ bị tác động bởi thương hiệu mới nếu thương hiệu đó mang lại cho họ những giá trị tốt hơn cho người dùng.

Nielsen nhận định, đây chính là cơ hội để những thương hiệu của nước ngoài phát triển mạnh hơn và có khả năng cung ứng cao hơn tại thị trường Việt Nam. Và giai đoạn này người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ và sử dụng các sản phẩm trong nước nhiều hơn.

Dịch bệnh Covid-19 cũng làm hành vi người tiêu dùng thay đổi. Nielsen cũng đua ra con khảo sát cụ thể có đến 64% người tiêu dùng sau dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục sử dụng kênh online làm kênh mua sắm chính của mình. Và có đến 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ đẩy mạnh mua sắm thường xuyên hơn. Đại diện Niesel cũng khẳng định đây là thời điểm vàng cho doanh nghiệp đẩy mạnh các kênh digital, online trực tuyến… vì nếu truyền thông đúng cách doanh nghiệp nhất định sẽ thành công.

Cũng theo thống kế của Nielsen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng chắc chắn có sự thay đổi trong tương lai từ offline sang online. Sẽ có đến 67% người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm, sản phẩm tươi nhiều hơn gấp 2 lần mỗi ngày. 59% sẵn sàng mua sắm các nhu yếu phẩm, sản phẩm tươi trên mạng với tần suất nhiều hơn kể cả khi hết dịch.

Đây cũng là giai đoạn các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ càng trở nên quan trọng và được quan tâm nhiều hơn. Theo khảo sát của hãng thì có đến 90% người tiêu dùng sẽ cân nhắc mua máy lọc nước và lọc không khí để bảo vệ sức khỏe. 77% sẽ cân nhắc mua các sản phẩm đo lường vận động, sức khỏe. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng có nhu cầu gia tăng nhận thức về việc ăn kiêng, nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần, hệ miễn dịch và an toàn vệ sinh.

Nielsen cũng khẳng định công nghệ thông minh sẽ định hình trải nghiệm mua sắm của khách hàng trong tương lai. Theo thống kê có đến 93% người tiêu dùng muốn mua điện thoại có 5G; 67% tin rằng công nghệ A/VR có thể được sử dụng trong mua sắm trực tuyến trong tương lai và có khoảng 50% người tiêu dùng hứng thú với việc mua loa thông minh, trợ lý ảo AI.

Đại diện Nielsen cũng cho biết thêm, trong giai đoạn này các sản phẩm có lợi cho sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Những sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất phải đảm bảo được các yếu tố sau: được sản xuất với chuẩn chất lượng cao nhất, có khả năng bổ trợ hệ thống miễn dịch, đảm bảo cho gia đình không bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh và có chứa các tinh dầu chống khuẩn.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng quan tâm đến những thực phẩm, đồ uống nhanh có chứa các dinh dưỡng bổ trợ như Vitamin C, Vitamin A, Omega 3 hoặc lợi khuẩn, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, được làm từ thành phần tự nhiên, được sản xuất với chất lượng an toàn cao nhất và được sản xuất bởi những thành phần chất lượng.

Riêng đối với ngành thực phẩm và ăn uống (F&B) đặc biệt là các nhà hàng thì Nielsen cũng khẳng định: Trước khi nhà hàng đóng cửa thì người tiêu dùng thậm chí đã có những thay đổi thói quen nhất định rồi. Tại khắp các nước Châu Á, việc ăn tại nhà trở thành một thói quen mới. Theo thống kê có 47% người Việt khẳng định thói quen ăn uống đang có sự thay đổi và bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó có đến 83% người Việt khẳng định sẽ giảm thiểu việc ăn, uống bên ngoài.

Đại diện Nielsen cũng đưa ra lời khuyên: Nhà bán lẻ cần phải thích nghi với những giá trị mới trong tương lai. Với số dân đông đúc và là một trong những nước ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên trên thế giới nên Nielsen đã chọn Trung Quốc để tiến hành khảo sát. Trong đó có 67% các nhà bán lẻ nước này khẳng định sẽ mở rộng bán hàng online hoặc các kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. 53% nhà bán lẻ sẽ thay đổi danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và có đến 43% nhà bán lẻ sẽ gia tăng kết nối với các nhãn hàng và truyền thông một cách hiệu quả hơn.

Hiện nay ngành bán lẻ là ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và gặp khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng nhưng chắc chắn ngành này sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới. Bên phía đại diện Nielsen cũng khẳng định người tiêu dùng rất tự tin và hy vọng Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng trong 1-3 tháng tới.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm