Chuyển đổi số

Phần lớn doanh nghiệp chưa thực sự chuyển đổi số

DNVN - Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số.

Chuyển đổi số để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu / Rạng Đông: Câu chuyện kế thừa quá khứ, mở ra tương lai

Nút thắt cản trở doanh nghiệp chuyển đổi số

Thông tin được các diễn giả chỉ ra tại diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” ngày 25/10 tại Hà Nội.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, theo ước tính của Bộ TT&TT, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay đã đạt gần 15%.

“Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN). Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử”, ông Trịnh Minh Anh nêu.


Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thời cơ cho phát triển các DN ở Việt Nam trong nền kinh tế số thì những khó khăn, thách thức cũng không nhỏ.

Đó là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao. Năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số của DN là những nút thắt cản trở DN Việt Nam trong chuyển đổi phương thức sản xuất mới.

Nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới.

Doanh nghiệp chưa chủ động dấn thân

Phân tích về thực trạng chuyển đổi số trong DN, bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên BCH VCCI, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel chia sẻ, từ giữa năm 2020 đến nay nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số đã được VCCI và nhiều đơn vị khác tổ chức.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nên nghiêm túc nhận xét rằng đa số DN chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số.

Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên BCH VCCI, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel.

Có hiện tượng khá phổ biến là, không ít DN nhận thấy có những ứng dụng trước kia mình chưa làm, ví dụ, làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp (ERP)… thì nay thử áp dụng. Có DN thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có DN không thấy hiệu quả và ngừng lại.

Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT về chuyển đổi số cho biết, gần 50% DN trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số.

“Cộng đồng DN Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo để chủ động dấn thân vào nền kinh tế số toàn cầu. Không ít DN đang nhầm lẫn giữa “tự động hóa” – kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin với “thông minh hóa” – kết quả ứng dụng công nghệ số. Tất cả các DN “tạm ngừng chuyển đổi số” theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa”, bà Yến giải thích.

Cần cả vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát triển kinh tế số là chặng đường dài. Hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Trong khi đó, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…

Những khó khăn hiện nay đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở DN vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.

“Tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số. Qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, ông Phòng nhấn mạnh.


Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cùng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng lần thứ tư, tránh tụt hậu về công nghệ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số, theo ông Trịnh Minh Anh, cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng DN.

Trong đó, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.

Về phía DN, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số thì điều tiên quyết là phải chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không có nghĩa chỉ là mua sắm phần mềm, trang thiết bị, mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học - kỹ thuật. Vì vậy, mỗi DN nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên BCH VCCI, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam trong nền kinh tế số, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho DN về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.

Đặc biệt, cần giúp DN hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, DN phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện.

Cơ quan quản lý cần luôn song hành cùng DN để từ thực tiễn triển khai xây dựng DN số, kinh tế số, khi gặp phải những vướng mắc về chính sách, quy chế thì kịp thời kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ.

Ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số để giúp các DN rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện.

Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo nên được cô đọng và chuyển thành các tài liệu số và gửi tới các hiệp hội DN nhằm giúp thông tin được truyền đạt nhất quán đến các hội viên.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm