Chuyển đổi số

Việt Nam còn trải qua nhiều chông gai mới có hình hài ngân hàng số

DNVN - Trong khi Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị dự thảo Chiến lược Chuyển đổi số cho ngành ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, để có hình hài ngân hàng số trong tương lai, Việt Nam còn phải trải qua một chặng đường không ít chông gai.

Hà Nội: Khuyến khích các cá nhân nộp thuế, quyết toán thuế qua phương thức điện tử / Đề xuất đưa chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung vào chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia

Tại Diễn đàn Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 25/3 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam và Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng đã đề cập đến thực trạng ngân hàng số Việt Nam hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, khi Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu nghiên cứu để đưa ra chiến lược số hóa ngành ngân hàng thì EY cũng đã thực hiện một khảo sát đối với các ngân hàng thương mại (NHTM). Kết quả khảo sát các ngân hàng cho thấy, 42% đang xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai Chiến lược Chuyển đổi số phù hợp với Chiến lược Kinh doanh, 11% đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược Chuyển đổi số riêng.
"Dưới góc độ NHNN và cơ chế chính sách có thể giúp được gì cho các tổ chức tín dụng, thì hầu hết các câu trả lời đều là mong muốn Nhà nước có thể xây dựng được cơ chế thử nghiệm trong nội bộ tổ chức và sau đó là ra bên ngoài. Thứ hai là họ muốn xây dựng trung tâm đổi mới số hoặc trung tâm ngân hàng số. Đồng thời muốn thành lập các nhóm nghiên cứu theo chức năng thay vì hiện nay khi ngân hàng đưa ra được sản phẩm mới nào đó thì họ phải qua nhiều tổ chức", bà Nguyễn Thùy Dương thông tin.

Quang cảnh diễn đàn.
Phần lớn các TCTD tham gia khảo sát không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số, theo đó 44 – 77% đã triển khai đa dạng dịch vụ phục vụ cho khách hàng trên kênh số, 41,2% kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số; mà còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ, theo đó 73% có quy trình hoạt động liên tục, 47,6% có hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, 42,8% TCTD có chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ.
Cũng theo kết quả khảo sát của EY, 70% các TCTD có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ: Công nghệ thiết bị di động (Mobility), Kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng (Open API), Phân tích Dữ liệu (Data Analytic), Chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022, Công nghệ hỗ trợ khách hàng (Chattbot, trợ lý ảo...).
Chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng bao giờ cũng bắt đầu từ việc tối ưu hóa về số, thường họ tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm về phía tương tác với khách hàng. Ví dụ, nâng cấp Internet Banking, Mobile Banking cho đến việc tối ưu hóa về số để vận hành đảm bảo quá trình thông suốt và phục vụ khách hàng nhanh chóng nhất.
"Nếu đánh giá một cách chung nhất thì hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc hiểu khách hàng hơn, tăng trải nghiệm của khách hàng", bà Nguyễn Thùy Dương nhận định.

Vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số: Nổi cộm là hành lang pháp lý
Ông Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá, bên cạnh những cơ hội đột phá mà số hóa đem lại, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, những khó khăn trong quá trình số hóa và của những người đi đầu trong lĩnh vực số hóa là không hề nhỏ, đặc biệt là hành lang pháp lý đang còn rất thiếu ở Việt Nam. Khảo sát năm 2016 của Viện Chiến lược Ngân hàng cho thấy, có tới 84% ý kiến từ các TCTD cho rằng khó khăn thách thức lớn cho quá trình số hóa ngân hàng là hành lang phá lý thiếu và không đồng bộ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, hành lang pháp lý là thách thức mà chúng ta cần cân nhắc đến khi xác thực định danh điện tử cũng như việc liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, và có thể là cơ chế thử nghiệm đối với các công ty Fintech và các mô hình ngân hàng số chuyên biệt so với ngân hàng số hiện nay là ngân hàng truyền thống.
Cũng đề cập đến thách thức hành lang pháp lý, ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng Ban Nghiên cứu & Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Không những thế, khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ như sự cạnh tranh các công ty công nghệ tài chính (các quy định vẫn có đầy đủ)..
Ngoài ra, những vướng mắc mà các ngân hàng Việt Nam đang gặp phải khi thực hiện chuyển đó là chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập. Hạn chế về nguồn lực CNTT trong phát triển ngân hàng số; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (giữa các vùng miền) cũng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Trước những tồn tại này, ông Phạm Xuân Hùng kiến nghị, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; về chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; cũng như quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số...
Với các NHTM, ông Hùng khuyến nghị cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân hàng số, phân bổ nguồn lực phù hợp cho đầu tư công nghệ mới, đồng thời đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Dương đưa ra 4 khuyến nghị. Một là cần bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số. Hai là có cơ chế pháp lý thử nghiệm đối với mảng fintech và rộng hơn sau này là mô hình ngân hàng số chuyên biệt. Ba là liên thông cơ sở dữ liệu dân cư. Bốn là ranh giới giữa các công ty viễn thông hiện nay đang phục vụ khách và thông qua một quy định mới nhất về mobile money cũng vai trò của các ngân hàng hiện nay.
"Bốn yếu tố này là nền tảng mà nhiều người coi là nút thắt. Tuy nhiên, theo tôi đây là cơ hội, trong nguy có cơ, tức là mình nhìn thấy đó là cơ hội để những người làm chính sách, những người tham gia trong cuộc chơi có thể đóng góp một cách tích cực thì cũng là một sự thay đổi. Tôi tin tưởng năm 2021 cho đến 2025 là khoảng thời gian ngành ngân hàng Việt Nam sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ", bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.
Tại sự kiện, các chuyên gia đều có chung nhận định, với những thách thức và vướng mắc hiện nay để có hình hài ngân hàng số trong tương lai tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng còn phải trải qua một chặng đường không ít chông gai. Dù vậy, các chuyên gia vẫn có lòng tin vào sự phát triển của ngân hàng số Việt Nam trong thời gian tới sau khi các nút thắt được tháo gỡ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm