Chuyển đổi số

Sếp Haravan và Shoptida chia sẻ về bí quyết kinh doanh thương mại điện tử để "miễn nhiễm" với Covid-19

DNVN - Trong cơn lốc dịch bệnh Covid-19, chuyển sang mô hình bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Nhưng phải tàm sao để kinh doanh thành công trên sàn? Các chuyên gia đã có chia sẻ về cách bán hàng online để có thể miễn nhiễm, ít bị ảnh hưởng thậm chí là tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

CEO Getfly Nguyễn Huy Hoàng: Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn trong dịch bệnh Covid-19 / CEO bỏ qua cái tôi, đi livestream bán hàng online trong đại dịch Covid-19: "Liêm sỉ gì tầm này. Mắc mệt!"

Theo số liệu thống kê từ Google cho thấy trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì nhu cầu mua hàng online của tất cả các ngành hàng đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể: Nhu cầu mua sắm ngành hàng mỹ phẩm qua kênh online tăng lên 49%, ngành hàng thời trang tăng 43%, ngành hàng trang trí nhà cửa vườn tược tăng 58%, tăng mạnh nhất là ngành hàng nhu yếu phẩm.

Dịch bệnh bùng phát mạnh làm cho nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp tiến hành thực hiện chuyển đổi số và tìm kiếm các kênh bán hàng online phù hợp để có được nguồn thu nhập ổn định sống sót qua mùa dịch.

Tại sự kiện Innovation Summit 2020 diễn ra vừa qua với chủ đề “Hiến kế & Giải pháp đổi mới cho doanh nghiệp ứng phó thời Covid-19” đã có phiên làm việc trao đổi về các mô hình kinh doanh thương mại điện tử "miễn nhiễm" với Covid-19.

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Mạnh Tấn – Head of Marketing của Haravan một trong những đơn vị có kinh nghiệm triển khai cho nhiều nhãn hàng lớn như Juno, L’oreal, Vinamilk…đã chia sẻ về kinh nghiệm khi triển khai cho các nhãn hàng mới trên thương mại điện tử.

ông Nguyễn Mạnh Tấn – Head of Marketing của Haravan

Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Head of Marketing của Haravan.

Theo ông Tấn, hiện nay nhu cầu mua hàng online đang tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn các kênh uy tín được đầu tư một cách chuyên nghiệp và bài bản về Branding và thương hiệu để mua hàng. Thực tế chỉ trong 2 tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh thì chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử như Tiki tăng 19%; Lazada tăng 6% và Shopee tăng 18%.

Tuy nhiên thị trường thương mại điện tử hiện nay không chỉ có một vài sàn thương mại lớn mà đã được phổ biến nhiều hơn khi các ông lớn nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này như Grab, Now, Momo, Goviet… và đang cố gắng phát triển thị trường tiềm năng khi có được cú hích mạnh mẽ từ Covid-19.

Ông Tấn chia sẻ: “các doanh nghiệp không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Ông ủng hộ mô hình bán hàng Omnichanel – Mô hình bán hàng đã kênh: bán hàng trên Facebook, Google, Zalo, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng khác… để doanh nghiệp có được nguồn doanh thu đa dạng”.

Ông đánh giá thương mại điện tử dù ở giai đoạn hay thời điểm nào đi chẳng nữa thì vẫn rất tiềm năng. Ở những thời điểm khó khăn nhất, việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử sẽ trở thành cứu cánh. Có thể các doanh nghiệp sẽ không đạt được doanh số như các giai đoạn thịnh vượng nhưng chắc chắn vẫn đủ nguồn thu để tồn tại qua mùa dịch.

Ông Vũ Minh Trà - Fouder Shoptida một đơn vị cung cấp sản phẩm máy in lại có ý kiến và hướng phát triển khác. Cách ông đang làm là tập trung duy nhất vào một kênh đó là sàn thương mại điện tử: Tiki; Sendo; Lazada và Shopee. Ông chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, với cách vận hành doanh nghiệp của mình thì doanh nghiệp của ông vẫn đang kinh doanh tốt, nhân sự không ai phải nghỉ, vẫn được nhận đủ lương và thậm chí mỗi tháng còn được thưởng thêm từ 1 đến 1,5 tháng lương.

Ông Vũ Minh Trà - Fouder Shoptida

Ông Vũ Minh Trà - Fouder Shoptida.

Cách mà ông bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để có thể miễn nhiễm, ít bị ảnh hưởng thậm chí là tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát được ông chia sẻ như sau: Với sản phẩm là máy in, trước đây, doanh nghiệp của ông có 2 kho ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là một chuỗi 5 cửa hàng, mô hình kinh doanh có kết hợp cả bán buôn, bán lẻ và có cả văn phòng điều hành. Ông có qua bên Trung Quốc học hỏi một thời gian về mô hình kinh doanh thương mại điện tử ở đây và khi về ông quyết định thay đổi lại mô hình kinh doanh của mình.

Shoptida đã tiến hành thay đổi từ 2014 -2018. Thời gian này ông quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi 5 cửa hàng, đóng cửa kho ở Hồ Chí Minh và đến 2019 quyết định đóng cửa cả kho ở Hà Nội mặc dù kho này hàng tháng vẫn có lợi nhuận và mang về doanh thu vài trăm triệu một tháng. Tất cả được chuyển về một kho rộng 500m2. Bỏ luôn cả bán buôn và hạn chế bán lẻ trực tiếp để tập trung hoàn toàn vào sàn thương mại điện tử.

Ông Trà cho biết: Mặc dù doanh nghiệp hoạt động vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên ông vẫn quyết định thay đổi. Việc thay đổi này không phải vì lợi nhuận mà muốn hướng tới mô hình bền vững hơn đó là tăng quy mô và giảm chi phí. Với việc chuyển sang mô hình Direct to Consumer (D2C) bán thẳng trên sàn thương mại điện tử, ông vừa có thể bán được giá gốc đến tay người tiêu dùng (vì đã giảm được 30% chiết khấu nếu như qua kênh đại lý trước đây) vừa có thể tiếp cận đến hơn 80 triệu khách hàng trên các sàn với chi phí Marketing chỉ chiếm có 5% trên tổng doanh thu.

Với cách làm này của mình, ông vẫn có thể duy trì hoạt động doanh nghiệp với một team tinh gọn, quản lý đơn giản chỉ 10 nhân sự với doanh số từ 2 tỷ - 2,5 tỷ/1 tháng.

Cũng theo ông Trà: “Với những người làm kinh doanh thương mại điện tử muốn phát triển lâu dài và bền vững thì cần phải giải được hai bài toán đó là tăng quy mô và giảm chi phí và 3 nguyên lý để có thể làm tốt trên sàn thương mại điện tử đó là: Giá hợp lý, thời gian ship nhanh và tồn kho nhiều”.

Khi được đặt câu hỏi về việc những thương hiệu lớn khi xác định lên sàn thì họ nên làm theo cách nào: Chia nhỏ để đánh giống tiểu thương hay trực tiếp với sàn để triển khai các chiến dịch lớn để thu hút khách? Fouder của Shoptida cho biết: “Cách tốt nhất trên sàn là bắt buộc sản phẩm phải được lên Top ngành hàng. Vì vậy cần tập trung các sản phẩm đó trong một thời gian ngắn nhất định. Khi sản phẩm đã lên được Top rồi thì chuyển sang sản phẩm và ngành hàng khác. Với những ngành hàng lớn có sẵn tài chính thì hoàn toàn có thể tạo một chiến dịch lớn trực tiếp với sàn. Mỗi chiến dịch có thể thu được từ 100.000 đến 500.000 lượt tiếp cận để khẳng định vị thế của mình”.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng là lúc chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử. Rất nhiều tiểu thương và chủ doanh nghiệp đã nhanh nhạy, tận dụng thời cơ và nhu cầu của người tiêu dùng để phát triển trong thời gian vừa qua. Đây là một mô hình không mới nhưng nếu được tận dụng và biết cách khai thác sẽ là kênh kinh doanh bùng nổ trong thời gian tới.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm