Chuyển đổi số

Tập đoàn CMC muốn “biến” Đà Nẵng thành cửa ngõ quốc tế về trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu

DNVN - Tập đoàn Công nghệ CMC đang xúc tiến quyết liệt việc xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space – CCS) kết nối giữa 3 TP chính là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Trong đó, CMC đánh giá “vai trò trung tâm của Đà Nẵng là hết sức quan trọng, đặc biệt khi sở hữu đường kết nối cáp quang biển thuận lợi”.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiến nghị của Đà Nẵng về sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu / Đà Nẵng: Triển khai ứng dụng VssID thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế giấy

Trở thành Digital Hub đóng vai trò quan trọng trong vị thế quốc gia và nền kinh tế đất nước

Như tin đã đưa, ngày 16/12/2020, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 4936/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết TL 1/500 dự án “Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân” (quận Cẩm Lệ) với diện tích quy hoạch điều chỉnh 172.980 m2, trong đó bố trí các công trình phục vụ nhu cầu làm việc, sáng tạo thuộc lĩnh vực CNTT và lĩnh vực khác; đi kèm là các công trình dịch vụ liên kết và kết hợp nhà ở cho chuyên gia, thương mại dịch vụ, văn hóa, TDTT…

Tân

Tân Chủ tịch Samsung SDS Vietnam Lee Jay Seok đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và làm việc với Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính (phải).Samsung SDS đã chính thức kí hợp đồng đầu tư 25% cổ phần của CMC. Đây là hợp đồng đầu tư với sự hợp tác chiến lược toàn diện về công nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (Nguồn ảnh: CMC)

Quyết định 4936/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, trên cơ sở quy hoạch chi tiết được phê duyệt, các sở, ngành tiếp tục triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở tổ chức triển khai thủ tục đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án “Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân” theo quy định.

Trả lời phỏng vấn của Doanh nghiệp Việt Nam trước đó, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nhận định, với quy mô đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, dự án sẽ thêm một nỗ lực đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kỹ thuật số (Digital Hub) cung cấp dịch vụ số trên cả nước và khu vực. Góp phần thu hút nguồn lực CNTT trong nước và quốc tế đến đầu tư, tạo môi trường làm việc chất lượng cao, chuyên nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC là tập đoàn ICT (công nghiệp CNTT và Truyền thông) lớn thứ hai tại Việt Nam với 27 năm hình thành và phát triển, việc trở thành Digital Hub khu vực đóng vai trò quan trọng trong vị thế quốc gia và nền kinh tế của một đất nước, đặc biệt trong thời đại nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hiện có 3 Digital Hub chính là Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, trong đó xét trên sự ủng hộ về chính sách cấp quốc gia, độ mở và đa dạng kết nối thì Singapore và Hồng Kông đang được đánh giá cao nhất. Việc quốc gia nào trở thành Digital Hub khu vực sau Singapore, Hồng Kông đã được nhiều nước hướng đến và thúc đẩy trong nhiều năm qua, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia.

“Khi xem xét các yếu tố chính quyết định tới việc trở thành Digital Hub, các chuyên gia quốc tế cũng như Tập đoàn Công nghệ CMC đánh giá và tin tưởng Việt Nam hội tụ các điều kiện cần và đủ như: Vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, Data Center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu…” – ông Nguyễn Trung Chính cho hay.

Nói là làm, năm 2019, CMC đã công bố Hệ sinh thái mở C.OPE2N, một sản phẩm đặc trưng của CMC với mong muốn cung cấp các hạ tầng nền tảng số cho các doanh nghiệp và tổ chức. Mục tiêu lớn nhất của CMC hiện nay là đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trở thành điểm tập trung lưu trữ dữ liệu và trung chuyển lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT, nội dung số toàn cầu với quy mô cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng, nhiều quốc gia lân cận/vùng/khu vực. Đề án về Digital Hub của CMC cũng đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Với khát vọng đóng góp cho đất nước, CMC nhận thấy đây là cơ hội lớn, chín muồi để góp phần đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực. Và để làm được điều đó thì yêu cầu tiên quyết đặt ra là đường kết nối cáp quang biển. Hiện Việt Nam có khoảng 8 đường kết nối quốc tế, trong khi đó Singapore có khoảng 30 đường. Bởi vậy, muốn đạt được mục tiêu trên thì Việt Nam cần phấn đấu để nâng số lượng đường kết nối quốc tế sao cho bằng hoặc xấp xỉ tương đương các nước như Singapore”.

Lợi thế của Đà Nẵng để trở thành cửa ngõ quốc tế về trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu

Từ mục tiêu của đề án, CMC đã và đang xúc tiến quyết liệt các chương trình hành động, trong đó có việc xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space – CCS) kết nối giữa 3 TP chính là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Hiện CCS tại TP HCM (quy mô 1,3ha) đang được gấp rút hoàn thành và dự kiến sẽ khánh thành trong năm 2021, tập trung vào khu Data Center được áp dụng tiêu chuẩn cao nhất hiện nay (Uptime Tier 4) và là một DC xanh - tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Đối với Đà Nẵng, ông Nguyễn Trung Chính nhấn định, TP này nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, có lợi thế về địa chính trị, là đường trung chuyển, là cửa ngõ vào khu vực Đông Dương cũng như kết nối Đông – Tây. Bởi vậy, vai trò trung tâm của Đà Nẵng là hết sức quan trọng, đặc biệt khi sở hữu đường kết nối cáp quang biển thuận lợi. Đây cũng chính là nơi CMC muốn xây dựng cổng kết nối mở (Open Gateway), biến TP trở thành cửa ngõ quốc tế về trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu.

Nhận thức được ưu điểm của Đà Nẵng là điểm sáng để đầu tư phát triển CNTT cũng như xây dựng trạm cập bờ kết nối các tuyến cáp quang biển quốc tế, CMC đã bắt đầu tiếp cận với chính quyền TP từ giữa năm 2020. Trong quá trình làm việc với các lãnh đạo TP về dự án CCS, CMC đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ Thành ủy, UBND TP cùng các Sở ngành về đề xuất đầu tư xây dựng dự án, cho rằng mục tiêu của dự án hoàn toàn phù hợp với một trong những định hướng phát triển của TP là trở thành trung tâm công nghệ cao, CNTT của cả nước và khu vực.

“Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sự quyết tâm của Đà Nẵng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các bước nhằm sớm hiện thực hóa dự án CCS: công tác trao đổi, giải quyết thủ tục và đẩy nhanh tiến độ diễn ra hết sức hiệu quả và nhanh chóng, coi đây như dự án điểm về rút ngắn trình tự thủ tục cho nhà đầu tư. Đặc biệt trong đợt tâm dịch Covid-19 thứ 2 của Việt Nam, ngày 18/8/2020, Chủ tịch UBND TP khi đó là ông Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn CMC về đề xuất đầu tư xây dựng CCS tại Đà Nẵng.

Cho đến nay, sau nhiều cuộc họp làm việc nghiêm túc với Thành ủy và UBND TP, CMC đã nhận được Quyết định số 4936/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của UBND TP về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án tại phường Hòa Xuân. Kết quả ban đầu này là minh chứng cho sư quyết tâm cao độ của hai bên vì một mục tiêu lớn phục vụ sự phát triển đất nước!” – ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Xây dựng tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC tại Hòa Xuân

Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC cho hay, dự án CCS tại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) sẽ bao gồm các phân khu chức năng như: Văn phòng, Khu nghiên cứu và phát triển (R&D), Khu Data Center, Khu sản xuất phần mềm, khu nhà ở cho chuyên gia và cán bộ nhân viên.

Đặc biệt, khu R&D hướng đến nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT tại địa phương, giúp Đà Nẵng tận dụng được thế mạnh và nâng cao giá trị.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính, CMC hướng tới việc xây dựng một Tổ hợp Không gian Sáng tạo theo mô hình không gian “Sống - Làm việc - Trải nghiệm - Sáng tạo”: các khu vực văn phòng, nhà ở, nghỉ dưỡng được liên kết với nhau trong một không gian xanh.

Ngoài ra, quan điểm của CMC khi tiếp cận một địa bàn là hướng tới việc phát triển khu vực đó không những về kinh tế mà còn tạo ra điều kiện sống và làm việc cho người lao động. CMC mong muốn dự án CCS sẽ thu hút nguồn nhân lực giỏi nhất đến với Đà Nẵng cũng như phát huy nguồn lực địa phương để xây dựng Đà Nẵng trở thành TP sáng tạo, lý tưởng, đáng sống và đáng đầu tư.

Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, đây cũng chính là định hướng của chính quyền TP khi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng. Các dự án phải theo đúng định hướng thu hút đầu tư của TP vào CNTT, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao; các dự án phải thân thiện môi trường, tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người lao động”.

Thông qua dự án CCS, CMC khẳng định quyết tâm gắn bó với TP Đà Nẵng, cùng cam kết góp phần xây dựng và phát triển thành phố trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số cho khu vực và toàn cầu trong tương lai. Hy vọng rằng, TP Đà Nẵng sẽ luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực CNTT nói riêng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Đà Nẵng”.

Tập đoàn CMC được biết đến như một đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án ICT cấp trung và lớn trong các lĩnh vực: Chính phủ, Giáo dục, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm, Điện lực, Ngân hàng, Tài chính và các Doanh nghiệp.

Năm tài chính 2019, CMC đạt doanh thu 5.381 tỷ VNĐ, lợi nhuận trước thuế 309 tỷ VNĐ. Kết thúc năm tài chính 2020, CMC dự kiến đạt doanh số khoảng 6.000 tỷ VNĐ, với quy mô 3.000 cán bộ nhân viên. Mục tiêu chiến lược của CMC là trở thành Công ty số với quy mô 1 tỷ USD vào năm 2025.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm