Chuyển đổi số

Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, phân phối thực phẩm

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp cho rằng, lựa chọn thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chế biến, phân phối thực phẩm không chỉ là giá trị kinh tế, môi trường mà còn giúp tri thức hóa người nông dân.

Doanh nghiệp dược chuyển đổi số / Hàng nghìn doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) vừa ra mắt sổ tay “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm” chính là việc lựa chọn đúng khâu quan trọng nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số là một lộ trình, chúng ta phải xác định cái gì làm đầu tiên và đặt chất lượng hiệu quả lên hàng đầu.

Chủ thể trọng tâm của cuốn sách là người nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những đối tượng dẫn dắt chuyển đổi số không phải đơn giản và dễ dàng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp nhấn mạnh số hóa lĩnh vực thực phẩm sẽ giúp tri thức hóa người nông dân. Ảnh: Hà Anh.

Cũng theo ông Toản, trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao. Hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và 19.500 hợp tác xã nông nghiệp.

Muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, các cơ quan ban ngành cần phải cùng nhận thức giống nhau, cùng phương pháp và hành động.

Sổ tay “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm” sẽ giúp quá trình chuyển đổi số đi đúng hướng và đạt kết quả thiết thực.

“Chúng ta lựa chọn chuyển đổi số lĩnh vực chế biến thực phẩm là một trong những lĩnh vực có tính chất nâng cao giá trị gia tăng, bởi nông nghiệp hiện nay đang chuyển nhanh, mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Do vậy, lựa chọn đúng khâu nâng cao giá trị gia tăng cũng là phương thức để tri thức hóa người nông dân, giúp các sản phẩm nông nghiệp gia tăng về mặt giá trị. Không chỉ là giá trị kinh tế mà còn là giá trị môi trường, giá trị sử dụng lên bàn ăn người tiêu dùng”, ông Toản nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, các hợp tác xã vùng cao có rất nhiều đặc sản, các sản phẩm đặc thù của nông nghiệp.

Những sản phẩm này sẽ được chuyển hóa bằng phương thức số. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những phương thức chuyển đổi số thông qua truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị thông tin của sản phẩm hoặc có thể kể câu chuyện từ sản xuất canh tác, chế biến, thông qua chuyển đổi số.

Người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc sản phẩm thông qua ứng dụng số. Trong một thời đại chuyển đổi số mạnh hiện nay, đó là con đường tất yếu để sản phẩm đi xa hơn, chi phí giảm hơn.

Người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc sản phẩm thông qua ứng dụng số.

Chuyển đổi số không phải là ứng dụng công nghệ thông tin mà là chuyển đổi hệ thống con người và các chủ thể. Trong nông nghiệp cũng vậy, phải chuyển hóa từ trạng thái vật lý, đưa thông tin đó lên môi trường số, giúp gắn kết chủ thể kinh doanh, cơ quan Nhà nước, thủ tục minh bạch và giảm thiểu mọi chi phí. Đây là con đường cần phải tương tác.

“Chúng ta cần tri thức hóa người nông dân và chuyển tải các tri thức đó thông qua con đường số. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng tiến hành tập huấn cho bà con nông dân, hợp tác xã.

Chỉ khi tập huấn đi, tập huấn lại, cầm tay chỉ việc, thường xuyên liên tục thì mới có hiệu quả. Người nông dân khi đó mới có vị thế số trong không gian của chính mình”, ông Toản cho biết.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm