Chuyển đổi số

TP.HCM thúc đẩy chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp

DNVN - TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Thừa Thiên Huế: Thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt / Covid-19 thúc đẩy ngành du lịch phải nhanh chóng chuyển đổi số để giảm "tổn thương" và tự cứu mình

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” năm 2021.

Theo đó, thành phố đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số như tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Phát triển hạ tầng số, nền tảng số như hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin. Trong đó, xây dựng phương án hình thành trung tâm dữ liệu thứ 2 của thành phố để phục vụ các hệ thống thông tin của thành phố tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố thống nhất, đồng bộ, tin cậy phục vụ cho chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp thí điểm và nhân rộng việc xây dựng và phát triển mạng 5G trên địa bàn thành phố.

Chương trình Chuyển đổi số giúp chính quyền TP HCM quản lý hiệu quả và người dân nhận được nhiều tiện ích hơn.

Chương trình Chuyển đổi số giúp chính quyền TP.HCM quản lý hiệu quả và người dân nhận được nhiều tiện ích hơn.

Cùng với đó, phát triển nền tảng số như tiếp tục triển khai mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của thành phố. Nghiên cứu phương án triển khai một số nền tảng số cơ bản như nền tảng Internet vạn vật (IoT), nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng định danh điện tử làm tiền đề phát triển chính quyền số và kinh tế số.

Ngoài ra, phát triển chính quyền số như phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Xây dựng kế hoạch số hóa hồ sơ và khai thác dữ liệu số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Đồng thời, phát triển kinh tế số. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM với mục tiêu hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, kiến tạo các mô hình sản xuất chất lượng cao, năng suất lao động cao.

Nghiên cứu, đề xuất để phát triển thành phố trở thành trung tâm công nghệ tài chính như xây dựng Đề án phát triển công nghệ tài chính (Fintech) cho thành phố; xây dựng thí điểm mô hình không gian Fintech; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ứng dụng giải pháp công nghệ tài chính và chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

Ứng dụng xu hướng chuyển đổi số vào hệ thống y tế và y học.

Ứng dụng xu hướng chuyển đổi số vào hệ thống y tế và y học.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội.

TP.HCM là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số.

Theo ông Đức, chương trình chuyển đổi số của TP.HCM đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân và doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP.HCM.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu nằm nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Còn đến năm 2030 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minhphục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thành phố sẽ tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, dự kiến TP.HCM nằm trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động mỗi năm tăng tối thiểu 9%; phổ cập mạng 5G; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Hiện tại, ở TP.HCM có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành cũng đã đang nỗ lực tìm cách chuyển đổi số, đồng nhất cơ sở dữ liệu trong các đơn vị, tạo sự liên kết và bảo mật dữ liệu chặt chẽ, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do sơ suất của con người, nâng cao tính tuân thủ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ với các giải pháp phần mềm ứng dụng tạo môi trường làm việc phù hợp với xã hội 4.0, hiện đại, chuyên nghiệp.

Phân tích về lợi ích đối với nhà quản trị, các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, hội nhập vào cách mạng công nghệ thông tin, hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số khiến họ có thể điều hành ở mọi nơi, vào mọi lúc, phá bỏ nhiều rào cản, quản trị nguồn lực hiệu quả hơn, cung cấp dữ liệu nhanh chóng, chính xác hơn, giúp ra những quyết định có tính vượt trội hơn.

Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ thông tin đã được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng được thử nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

PGS-TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhiều bệnh viện tại thành phố đã xây dựng và cài đặt hệ thống nhắc về liều lượng thuốc, nhắc kê đơn những thuốc có cùng hoạt chất, nhắc thuốc có nhiều tác dụng phụ,… điều này đã góp phần giảm nguy cơ sai sót trong kê đơn của các bác sĩ.

Còn ở lĩnh vực giao thông, PGS.TS Thoại Nam – Trường đại học Bách Khoa (Đại học quốc gia TP.HCM), cho biết, hệ thống giao thông tại thành phố đang được trang bị nhiều camera và dữ liệu camera được tập trung về Trung điều hành giao thông thông minh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu camera có thể thu thập tự động các thông số liên quan về giao thông như: loại xe, mật độ, lưu lượng, hướng di chuyển,... Từ các kết quả phân tích này có thể giúp điều hành hệ thống giao thông tốt hơn.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm