Chuyển đổi số

Trang thương mại điện tử Leflair đột ngột đóng cửa, nhiều đối tác lo bị "bùng" tiền và hàng hóa

DNVN – Sự việc Leflair - trang web chuyên bán hàng hiệu vừa đưa ra thông báo tạm ngưng hoạt động tại thị trường Việt Nam do áp lực về nguồn vốn đã khiến nhiều đối tác bán hàng của Lefair điêu đứng vì lo ngại bị đơn vị này “bùng” hàng, tiền.

Phê duyệt kế hoạch thanh, kiểm tra một loạt mặt hành kinh doanh trên thương mại điện tử / Lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh xử lý 3 website vi phạm kinh doanh thương mại điện tử

Đầu tháng 2/2020, trang thương mại điện tử Leflair (Công ty Cổ Phần Leflair) bất ngờ gửi thông báo đến các nhà cung cấp sẽ đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động. Theo đơn vị này, lý do tạm ngưng kinh doanh là do khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.

"Áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận… chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn là tạm dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại Việt Nam", thông báo từ Leflair cho biết.

Đại diện phía Leflair đang làm việc với các đối tác về vấn đề công nợ.

Đại diện phía Leflair đang làm việc với các đối tác về vấn đề công nợ.

Sự việc Leflair đột ngột đóng cửa khiến nhiều nhà cung cấp và nhân viên bán hàng bất ngờ do chưa được thanh toán các khoản lương, thưởng trước đó. Đáng nói, hiện văn phòng của Leflair (toạ lạc tại tầng 16, tháp A2, toà nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM) đã đóng cửa càng khiến cho khách hàng điêu đứng vì lo ngại đơn vị này "bùng" hàng, tiền.

Nhiều khách hàng cho biết đã chuyển tiền cho Leflair từ trước nhưng đơn vị này lại không giao hàng. “Gần cuối tháng 2 tôi đã lên trang web của Leflair đặt hàng đồ dùng trong gia đình, lúc ấy website vẫn hoạt động nên vẫn trừ tiền và gửi thông báo giao hàng. Thế nhưng, tới hôm nay mình mở lại thì website đã đóng cửa. Hàng thì chưa nhận được, còn tiền thì không biết lấy lại bằng cách nào khi văn phòng tại TP.HCM đã đóng cửa”, chị Lan - một khách hàng bức xúc.

Văn phòng Leflair ở quận 10, TP.HCM đã đóng cửa.

Văn phòng Leflair ở quận 10, TP.HCM đã đóng cửa.

 

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, chị N. (nhà cung cấp của Leflair) cho biết, trong buổi gặp mới đây phía đại diện Leflair thông tin rằng số công nợ mà đơn vị này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD. Trong khi đó khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của công ty chưa đến 50.000 USD.

“Trong thời gian hợp tác, phía Leflair thường xuyên chậm giải quyết công nợ khiến tôi rất bức xúc. Tuy nhiên tôi vẫn cho cho họ thêm cơ hội và hợp tác. Lúc này tôi đang có công nợ gần 1 tỷ đồng và chưa biết lúc nào phía Leflair mới giải quyết” chị N. trình bày.

Theo chị N., hiện chị như nhiều khách hàng cũng rất lo lắng khi phía Leflair thông báo phải chờ nhà đầu tư mới, nếu có sẽ trả hết số tiền mà đơn vị đang có công nợ, còn không chỉ trả được một phần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Leflair đang có rất nhiều công nợ lên đến cả vài tỉ đồng với các nhà cung cấp (chủ yếu là các sản phẩm chăm sóc nhà cửa, đồ dùng gia đình…). Việc Leflair tạm ngưng hoạt động, đóng cửa văn phòng đã khiến nhiều đối tác lo lắng. Trước tình hình hiện tại, các nhà cung cấp mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu và giải quyết.

 

Để thông tin được chi tiết, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ với đại diện phía Leflair nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.Doanh nghiệp Việt Namtiếp tục thông tin về vụ việc này.

Là trang thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu giảm giá với cam kết chính hãng 100%, Leflair ra đời năm 2015 tại Việt Nam bởi 2 người sáng lập vốn là nhân sự của Lazada. 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun chia nhau hai vị trí Giám đốc và Giám đốc điều hành của Leflair.

Leflair đã gây ấn tượng khi lựa chọn hoạt động theo mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace). Cụ thể, để bảo đảm chất lượng hàng hóa từ nhà cung cấp, Leflair áp dụng mô hình trữ hàng và đầu tư hai kho tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) với hệ thống kiểm tra quản lý chặt chẽ.

Tại Việt Nam, Leflair tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Do vậy, trong 4 năm qua, sàn bán lẻ hàng hiệu này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

 


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm