Chuyển đổi số

Việt Nam chính thức nghiên cứu và thí điểm tiền điện tử

DNVN - Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện: 2021-2023.

Thị trường tiền ảo chao đảo khi Bitcoin "thủng" mốc 30.000 USD, vốn hóa "bốc hơi" 300 tỷ USD / Sự phát triển của thị trường tiền số đứng trước nhiều thách thức

Tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện 2021-2023.

Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money.

Khái niệm tiền ảo, được dịch ra từ "virtual money" và trong đó, những loại tiền số được tạo ra bởi công nghệ blockchain như Bitcoin, Etherum... được giới đầu tư tài chính quan tâm nhất. Bitcoin, Etherum và một số loại tiền số khác trở thành một kênh kiếm tiền mới với nhiều người, bên cạnh việc gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán, trái phiếu.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Do chưa có bất kỳ quy định chính thức nào, tiền ảo là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.

Việc nghiên cứu và thí điểm tiền điện tử là một trong những giải pháp để xây dựng chính phủ điện tử, phát triển thành chính phủ số từ đây cho đến 2030.

Trong quyết định, Chính phủ định hướng cần nghiên cứu, làm chủ các công nghệ lõi, trong đó có các nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ chính phủ số. Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ vấn đề ưu tiên đẩy mạnh phong trò nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn hay VR/AR.

Văn bản cũng cho biết chính phủ ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, công nghệ được thiết kế, sản xuất bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số.

Đây là lần đầu Chính phủ đưa ra nội hàm khái niệm Chính phủ số. Theo đó, chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số.

Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Liên quan đến các cơ chế chính sách cho tiền mã hóa, trước đây, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản số, tiền số theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản số, tiền số.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm