Chuyển đổi số

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước

DNVN – Theo các nhà khoa học, để trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước, đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải có sự đột phá; trong đó không chỉ cơ chế chính sách mà phải chú trọng tính đặc thù riêng có ở địa phương và phát triển chuyên sâu các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, y tế, khoa học xã hội nhân văn.

Thừa Thiên Huế: Tôn vinh 12 trí thức Khoa học Công nghệ tiêu biểu / Thừa Thiên Huế: Cảnh báo dấu hiệu kêu gọi đầu tư cổ phiếu ảo theo hình thức đa cấp “Crowd1”

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh (KH&CN) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội thảo “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những Trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực.

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước và cuộc sống luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế đề cao.

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước và cuộc sống luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế đề cao.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển KH&CN, trong đó, chú trọng tập trung đầu tư vào các thiết chế phát triển tiềm lực, nhân lực KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu - thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Ngành KH&CN với vai trò quản lý nhà nước đã xác định nhiều chương trình hành động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp ứng dụng những tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn.

Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030 Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là “xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.

 

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động số 69-Ctr/TU ngày 3/2/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu đặt ra đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Nhiệm vụ xây dựng Trung tâm KH&CN phải gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 15/11/2011 về “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định 1104/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 để triển khai thực hiện Nghị quyết đồng thời tổ chức chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể quán triệt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 07-NQ/TU và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện.

“Sau 10 năm triển khai Nghị quyết, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách về ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Hội thảo lần này được tổ chức với mục đích lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành hữu quan, các chuyên gia nhằm xây hoàn chỉnh đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những Trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030””, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

 

Các nhà khoa học tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Các nhà khoa học tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đánh giá cao dự thảo của Đề án, cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm và xác định rõ về quan điểm và chủ trương quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước. Vì vậy, để hoàn chỉnh Đề án, nhiều ý kiến tâm huyết đã đưa ra, đặt vấn đề là để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vai trò của KH&CN là rất quan trọng.

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tỉnh có đủ điều kiện trở thành một trung tâm KH&CN, bởi từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là nguồn nhân lực, trí thức.

 

“Nhưng xem ra, đây là nhiệm vụ khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh nhà và sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, trong đó vai trò của lãnh đạo tỉnh có những bước đột phá về cơ chế chính sách giữ chân người tài”, GS.TS Trần Hữu Dàng chia sẻ.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, nguyên Giám đốc Đại học Huế, để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước phải phân kỳ, có lộ trình.

Nguyên Giám đốc Đại học Huế chia sẻ ràng, dõi theo quá trình phát triển của ngành KH&CN vừa qua sẽ thấy Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm lực về nguồn nhân lực nhưng các nhà chuyên môn, khoa học ở địa phương chưa sống được bằng KH&CN. Phải chăng Thừa Thiên Huế còn hạn chế về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách chưa cởi mở...?

“Để trở thành trung tâm KH&CN, đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải có sự đột phá; trong đó không chỉ cơ chế chính sách mà phải chú trọng tính đặc thù riêng có ở địa phương và phát triển chuyên sâu các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, y tế, khoa học xã hội nhân văn... Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác quốc tế để kết nối các thương hiệu mạnh, nguồn nhân lực quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ Đại học Huế và Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, để Thừa Thiên Huế là trung tâm KH&CN, trước hết phải thay đổi toàn diện, cần có sự thống nhất không chỉ là người lãnh đạo mà của cả người dân.

 

Phải đào tạo các nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là phải có sự kết nối liên thông Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trung dài hạn... Thông qua nội dung đào tạo, phải xây dựng chương trình hành động ký kết, hợp tác để có cơ hội hội nhập KH&CN xa hơn…

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, đánh giá cao các ý kiến tham gia của các nhà khoa học. Qua đây, nhìn nhận ngành KH&CN tỉnh hiện đang đứng ở thứ hạng nào trong khu vực và cả nước, qua đó đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp nhằm khai thác lợi tiềm năng thế mạnh, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030;

“Sở KH&CN tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung và hoàn chỉnh Đề án, để trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong thời gian tới, qua đó UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm