Hỗ trợ doanh nghiệp

Cơ hội xúc tiến thương mại - đầu tư vào Liên bang Nga

Từ nhiều năm qua, Nga là bạn hàng truyền thống của Việt Nam với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ trợ cho nhau. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga những mặt hàng phục vụ tiêu dùng như: gạo, hạt tiêu, cà phê, cao su, thủy hải sản, giày dép, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và nhập khẩu từ Nga những mặt hàng phục vụ sản xuất như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, thiết bị máy móc…

 

Năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 1,7 tỷ USD, 2010 con số này đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 3 tỷ USD vào năm 2013 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

 

Tiềm năng và cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam

 

Nước Nga có tổng dân số trên 140 triệu người, là một trong 8 nền kinh tế lớn trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 12.000 USD/năm. Nga không chỉ là thị trường lớn mà còn là thị trường không khó tính như Tây Âu, Nhật Bản hay Mỹ. Trong cơ cấu kinh tế, nước Nga chú trọng phát triển các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng như: dầu mỏ, khí đốt, chế tạo máy,… còn những mặt hàng tiêu dùng, hàng hoá đòi hỏi nhiều nhân công chủ yếu nhập từ nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có dự định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa mặn mà và chưa khai thác được hết tiềm năng của thị trường này. Đa phần hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có mặt tại các thành phố lớn, nhất là thủ đô Mátxcơva, chứ chưa thâm nhập được vào các địa phương khác của Nga. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường này, chưa chủ động trong việc khai thác thị trường mà chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu và đơn hàng mà phía bạn đưa ra. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Nga hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định dẫn đến hiệu quả chưa cao. 

 

Cầu nối vào thị trường Nga

 

 
Trung tâm văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội – Mátxcơva được coi là
cầu nối cho các DN lần đầu tiên sang Nga tìm kiếm cơ hội đầu tư
 

Như vậy, để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam cần đến một địa chỉ tin cậy, ổn định và tập trung tại Mátxcơva để đặt văn phòng đại diện hoặc mở showroom giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới khách hàng, đồng thời dựa vào mạng lưới phân phối hàng hóa sẵn có của người Việt tại Nga. Ngày 31/10, tại thành phố Mátxcơva sẽ diễn ra hội thảo xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga. Hội thảo này do Đại Sứ Quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại Giao, Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, BIDV và Công ty INCENTRA phối hợp tổ chức. Tại đây các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga, các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga và một số nước khác có dịp hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức đối khi xuất khẩu hàng hóa vào Nga. Từ đó cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xuất khẩu vào thị trường này.

 

Trong khuôn khổ hội thảo, công ty INCENTRA sẽ giới thiệu về dự án Trung tâm văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn “Hà Nội – Mátxcơva” –  tổ hợp thương mại, căn hộ, khách sạn sang trọng và hiện đại của công ty tại Nga. Dự án được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa hai thành phố về việc xây dựng các dự án “Trung tâm văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội – Mátxcơva” tại thủ đô Mátxcơva và “Nhà Mátxcơva” tại thủ đô Hà Nội.  Dự án hiện đang được khẩn trương xây dựng để hoàn thành vào quý II/2013. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là đầu mối quy tụ các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu tại thị trường Nga và những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Trung tâm Văn hóa, thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva là địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp thành lập văn phòng đại diện và mở showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới khách hàng. Ngoài ra, dự án này cũng được coi là giải pháp về địa điểm kinh doanh và nơi ở ổn định, lâu dài cho cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.

 

Theo Lê Hà (DDDN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo