Coca Cola Việt Nam giỡn mặt Cục Thuế ngon ơ?
Bằng thủ thuật nào mà một “đại gia” trong ngành đồ uống dù bị Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh liệt vào danh sách những doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá cao vẫn ngang nhiên khai lỗ?
Bí quyết kê khai lỗ của Coca-Cola
Sự có mặt tràn ngập các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola trên thị trường Việt Nam khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng tin tưởng rằng “đại gia” này kinh doanh thành công tuyệt đỉnh.
Số liệu của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay.
Từ khi thành lập (tháng 2/1994) đến nay chưa năm nào Công ty Coca Cola Việt Nam khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Năm 2004 doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng.
Mới nhất năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Ông Lê Duy Minh, trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, cho biết “bí quyết” để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Như năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỉ đồng trên doanh thu 2.329 tỉ đồng. Năm 2009 chi phí này là 1.065 tỉ đồng.
Nhiều lần Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với doanh nghiệp này nhưng đại diện Công ty Coca Cola Việt Nam vẫn trả lời là đã kê khai đầy đủ, chấp hành đúng luật pháp Việt Nam, còn nguyên nhân lỗ là do thu không đủ bù chi. Công ty cũng không thể bán giá cao hơn vì muốn mở rộng thị trường. Công ty này cũng giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám.
“Đã 6-7 năm nay Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh liệt Công ty Coca Cola Việt Nam vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. Báo cáo tài chính của công ty này cũng được săm soi rất kỹ nhưng việc chứng minh doanh nghiệp này có chuyển giá phức tạp hơn các doanh nghiệp khác rất nhiều do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca Cola Việt Nam độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì đây là doanh nghiệp đặc thù” - ông Minh nói.
Lỗ vẫn đầu tư khủng
Sau 18 năm kinh doanh ở thị trường Việt Nam, không chỉ lỗ quá lớn, Coca-Cola thậm chí đã cạn cả vốn chủ sở hữu. Vậy nhưng, cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và công bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm.
Ông Muhtar Kent còn nhận định: ”Việt Nam là một thị trường tăng trưởng quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi nhắm tới mục tiêu của tầm nhìn 2020 bao gồm việc tăng gấp đôi doanh số và số lượng phần thức uống trong thập kỷ này. Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định trong những năm qua và cam kết tài chính mới này không chỉ mang ý nghĩa đầu tư mở rộng kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam, mà còn là một minh chứng quan trọng cho niềm tin của chúng tôi vào triển vọng phát triển lâu dài của Việt Nam”.
Hiện tại, Coca-Cola có 3 nhà máy ở Việt Nam được đặt tại: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và có khoảng 2.000 nhân viên
Ẩn sau con số lỗ là lãi?
Ông Lê Duy Minh cho biết so sánh với doanh nghiệp nước giải khát rất nhỏ cùng ngành nghề của Việt Nam là Chương Dương năm 2011, dù chỉ còn thị phần ở hai sản phẩm là soda chai và nước xá xị, doanh thu chỉ có 422 tỉ đồng nhưng lợi nhuận lên đến 30 tỉ đồng với số
thuế nộp cho ngân sách lên đến 7,5 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy ẩn đằng sau con số lỗ của Coca Cola có thể là khoản lãi rất lớn hằng năm chảy về cho công ty mẹ dưới dạng tiền trả nguyên phụ liệu. “Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố về tình trạng thua lỗ liên tục của Coca Cola Việt Nam, trong đó nêu rõ quan điểm rằng nếu một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam mà lỗ mất vốn đầu tư ban đầu có còn cơ sở pháp lý để tồn tại ở Việt Nam hay không nhưng vẫn chưa nhận được văn bản nào trả lời về vấn đề này” - ông Minh nói.
Do liên tục thua lỗ qua nhiều năm, đến nay Coca Cola Việt Nam hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay. Trong đó vay nợ ngắn hạn từ công ty mẹ là 2.020 tỉ đồng, số nợ khác chỉ có 343 tỉ đồng. “Như vậy Coca Cola Việt Nam nợ mà thực chất là không nợ vì chủ yếu là vốn từ công ty mẹ rót vào cho công ty con trích từ một phần lãi hằng năm chuyển về ẩn dưới dạng thanh toán tiền mua hương liệu” - ông Minh cho biết.
Cũng theo Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố thua lỗ liên tục qua nhiều năm, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất là dấu hiệu không bình thường nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Cách làm này của các doanh nghiệp không chỉ gây thất thoát nguồn thu thuế trong nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thậm chí thôn tính đối tác kinh doanh.
Nhưng nhìn thấy dấu hiệu bất bình thường ở doanh nghiệp là một chuyện, còn việc đấu tranh để các doanh nghiệp này thừa nhận chuyển giá không phải dễ. Bởi khi thực hiện việc chuyển giá, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ chặt chẽ, hợp đồng có giá trị pháp lý...
Dữ liệu của cơ quan thuế cũng chưa thật đầy đủ. Như trường hợp Coca Cola Việt Nam, muốn có cơ sở so sánh phải có dữ diệu của Coca Cola tại Singapore hoặc Thái Lan...
Thảo Anh (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo