Hỗ trợ doanh nghiệp

Còn hơn 700 doanh nghiệp Nhà nước sau khi sắp xếp lại

(DNVN) - Sau 15 năm sắp xếp lại, doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều nay 6/12, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2015 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, về ban hành cơ chế chính sách, trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị. Trong đó có 21 văn bản về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN; 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 14 Điều lệ tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Các Bộ đã ban hành 15 Thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách.

Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp (về số lượng doanh nghiệp đạt 96% kế hoạch); trong đó: cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp, bán, giao: 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Các đơn vị đạt kết quả cao là: Các Bộ: Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Tổng công ty: Hàng hải, Đường sắt; các địa phương: Bình Định, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình.

Với kết quả sắp xếp 5 năm qua đã nâng tổng số DNNN đã sắp xếp từ trước tới nay là 5.950 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 4.460 doanh nghiệp. Nếu tính thêm số DNNN sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 là 60 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 48 doanh nghiệp thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp.

Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 có 1.369 DNNN thì đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài nhà nước 11,8%, FDI 17,9%).

Tổng quát lại, giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN và đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý doanh nghiệp, về tái cơ cấu DNNN đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tạo khung pháp lý thuận lợi để các DNNN hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách liên quan đến sắp xếp, tái cơ cấu DNNN chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời.

Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp sắp xếp đạt 96% kế hoạch, doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% kế hoạch của cả 5 năm. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

 

Việc bán đấu giá cổ phần công khai trên Sở giao dịch chứng khoán, cung cấp cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hóa chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia; tạo sự ổn định cho thị trường (chất lượng cổ phiếu niêm yết tăng lên), hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá cả chứng khoán trên thị trường (do số lượng doanh nghiệp nhiều, quy mô lớn). Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa gắn với niêm yết (bán cổ phần lần đầu qua Sở GDCK, thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết đối với doanh nghiệp đủ  điều kiện niêm yết ngay) đã tăng cường sự kiểm tra giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp (các cổ đông trong và ngoài doanh nghiệp cùng giám sát, nhà đầu tư có cơ hội tiếp xúc nghiên cứu thông qua thông tin trong các bản cáo bạch); tạo áp lực đòi hỏi các doanh nghiệp này phải tiếp cận với phương thức quản trị mới, công khai hơn, minh bạch hơn, tự chủ hơn và hiệu quả hơn; nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu của các đơn vị, tăng khả năng huy động vốn để  đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Lao động dôi dư ở các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, giao, bán được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc tự họ thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa, duy trì ổn định xã hội.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tập trung rà soát, loại bỏ những ngành, nghề ít hoặc không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các đơn vị thành viên, hoàn thành phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động; quan tâm đổi mới quản trị doanh nghiệp. Kết thúc thí điểm cổ phần hóa 3 tập đoàn kinh tế. Việc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Giai đoạn 2016 - 2020 nhiệm vụ tái cơ cấu còn nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực mới để đạt mục tiêu đề ra. 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo