Khoa học - Công nghệ

Các công ty Fintech có khả năng trở thành đối thủ của ngân hàng

DNVN - TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cảnh báo, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech là một thách thức với các tổ chức tín dụng. Các công ty này có khả năng trở thành đối thủ của ngân hàng.

Ngân hàng ảo, Fintech sẽ là đối thủ nặng ký khi số hóa ngân hàng / Fintech "bùng nổ" đang tạo thách thức lớn trong chính sách quản lý hệ sinh thái tài chính

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Fintech như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine learning - ML), chuỗi khối (Blockchain), tự động hóa bằng robot (RPA), giao diện lập trình ứng dụng (API)... đang được các tổ chức tín dụng ứng dụng một cách mạnh mẽ.

Fintech tại Việt Nam xuất hiện từ khá sớm, những ví điện tử đầu tiên như MoMo có từ năm 2010, hay những nền tảng gọi vốn cộng đồng như IG9 ra mắt năm 2012.

“Đến nay, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech là một thách thức với các tổ chức tín dụng, làm thay đổi hoạt động truyền thống của tổ chức tín dụng. Các công ty này phát triển mạnh mẽ và có khả năng trở thành đối thủ của ngân hàng. Ttrước mắt là trong lĩnh vực thanh toán, nhưng sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác”, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cảnh báo.

Bởi vậy, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại theo hai hướng là chuyển đổi số và hợp tác với công ty Fintech.

Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác với công ty Fintech.

Cụ thể, về chuyển đổi số, các ngân hàng đã tích hợp công nghệ số và áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo, điều này đã tạo ra một số kết quả tích cực trong việc tăng trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó có việc ứng dụng mạnh mẽ sinh trắc học (Biometrics) trong các giao dịch của khách hàng như áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự sinh trắc học để nhận diện khuôn mặt với ứng dụng online một cách rộng rãi tại BIDV, TPB, VietinBank, VIB.

Vietcombank không chỉ áp dụng công nghệ sinh trắc học mà còn áp dụng xác thực đăng nhập mới là Push Authentication khi ra mắt ngân hàng số VCB Digital dành cho khách hàng cá nhân, thay thế cho dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking.

Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước với 57 ngân hàng tại Việt Nam từ năm 2021 cho thấy, 43% ngân hàng có mức độ sẵn sàng triển khai công nghệ Blockchain ở mức trung bình và cao.

Đáng chú ý, NAPAS và 3 ngân hàng gồm VietinBank, VIB, TPBank đã tiến hành thử nghiệm chuyển tiền bằng công nghệ Blockchain, các nghiệp vụ chính xử lý giao dịch, đối soát, tra soát tức thời được thực hiện trên Blockchain chỉ sau 4 tuần. HSBC thực hiện thành công giao dịch L/C (thư cam kết của ngân hàng về việc người nhập khẩu sẽ trả tiền cho người xuất khẩu) trên nền tảng Blockchain, toàn bộ thời gian để trao đổi chứng từ được tiến hành trong vòng 24 giờ, thay vì 5 - 10 ngày.

Vietcombank thí điểm thành công giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain và ứng dụng thành công Blockchain trên nền tảng ngân hàng số VCB Digital. TPBank ứng dụng công nghệ Blockchain giúp chuyển tiền quốc tế trong vài phút thông qua RippleNet. BIDV phát hành L/C dựa trên nền tảng Blockchain trên Contour, một mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu gồm nhiều ngăn hàng, tập đoàn lớn.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng bắt đầu sử dụng AI trong nhiều hoạt động như giao dịch ngoại tệ, tín dụng cá nhân, ngân hàng số.

Gia tăng hợp tác với công ty Fintech, các tổ chức tín dụng đã triển khai mạnh mẽ giao diện lập trình ứng dụng (API) cũng như các Open API để kết nối với Fintech trong nhiều lĩnh vực. Nhìn chung, các tổ chức tín dụng đều đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nội bộ và nghiệp vụ, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, cũng như cải tiến quy trình để nâng cao năng suất lao động.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này đã giúp cho lĩnh vực ngân hàng trở thành một trong những đầu tàu về chuyển đổi số tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các quy định liên quan đến hoạt động chuyển đổi số chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, các mô hình kinh doanh, kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ. Hoạt động lừa đảo, tội phạm tài chính, rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng”, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhấn mạnh.

Để thúc đẩy ứng dụng Fintech trong bối cảnh mới, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các cơ quan quản lý nên thay đổi cách tiếp cận với Fintech. Chính phủ nên sớm ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech (Sandbox trong lĩnh vực ngân hàng). Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Xem xét cho phép thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam, đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các công ty Fintech để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Việc hợp tác giữa Fintech và các tổ chức tín dụng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm