Khoa học - Công nghệ

Cẩn trọng từng bước trong tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine mRNA

DNVN - Theo ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam có cơ hội được tiếp cận công nghệ mới mRNA để sản xuất vaccine nhưng phải xem xét cẩn thận các bước, thời gian, quy mô, nguồn vốn đầu tư và phát triển nhân lực.

Sắp công bố vaccine dịch tả lợn Châu Phi do doanh nghiệp Việt nghiên cứu / Linh hoạt quy trình, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Sự tham gia của Việt Nam vào Chương trình chuyển giao công nghệ mRNA (công nghệ mRNA có cơ chế hoạt động khiến tế bào tạo ra mảnh của virus để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng đã đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine trong nước.

Bằng cách tận dụng kinh nghiệm quốc tế và hợp tác với các bên liên quan chính, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế.

Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức đáng kể đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc tiếp cận nguồn cung ứng vaccine.

Đến giữa năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 thấp nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, thông qua sự kết hợp giữa nguồn cung cấp COVAX, các nguồn tài trợ được điều phối bởi ban chuyên trách của Chính phủ và việc mua sắm từ các nhà cung cấp quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm chủng vào nửa cuối năm 2021.

Thành tích này không chỉ cứu được tính mạng của nhiều người mà còn tạo điều kiện để mở cửa trở lại và phục hồi sau tác động kinh tế của đại dịch.

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP khuyến nghị Việt Nam phải cẩn thận các bước khi tiếp cận công nghệ mới mRNA sản xuất vaccine.

Phát biểu tại Hội thảo "Phổ biến kết quả nghiên cứu sản xuất vaccine và tham gia của Việt Nam trong chương trình chuyển giao công nghệ mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh đánh giá cao cơ hội Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới mRNA để phục vụ cho việc sản xuất vaccine.

Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả tính bền vững tài chính của hoạt động chuyển giao công nghệ mới này đòi hỏi Việt Nam phải xem xét cẩn thận các bước, thời gian, quy mô, nguồn vốn đầu tư cần thiết cũng như tập trung phát triển, nâng cao chuyên môn.

Theo ông Haverman, sự phối hợp giữa các cục, vụ, viện, doanh nghiệp, chuyên gia cao cấp và các đối tác quan trọng tại hội thảo sẽ góp phần xây dựng một chiến lược quốc gia hiệu quả nhằm tăng cường tiếp cận vaccine tại Việt Nam và khu vực rộng hơn trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về dự án “Hỗ trợ tăng cường tiếp cận vaccine và năng lực hệ thống y tế để Việt Nam ứng phó với COVID -19” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP nhằm tăng cường tiếp cận vaccine và chứng nhận vaccine COVID -19 tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia hội thảo về kết quả nghiên cứu sản xuất vaccine và tham gia của Việt Nam trong chương trình chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.

Theo TS Nguyễn Khánh Phương - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine với 4 doanh nghiệp Nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt).

Việt Nam cũng có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như: vaccine bất hoạt, vaccine giải độc tố, vaccine tiểu đơn vị, đồng thời, là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong tiêm chủng mở rộng (10/11 vaccine).

Năm 2015 hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vaccine của WHO.

Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực, ông Phương khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vaccine; xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, cần nâng cao hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục tăng cường hệ thống cơ quan quản lý quốc gia vaccine, đạt chứng nhận của WHO. Xây dựng các chính sách liên quan để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm