Công nghiệp hỗ trợ chờ cú hích từ nghị định mới
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ để thay thế cho Quyết định 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/QĐ-TTg, vì vậy, Nghị định này đang được doanh nghiệp trong và ngoài nước kỳ vọng tạo nên một cú hích mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Tại Hội thảo Tham vấn Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, công nghiệp hỗ trợ là nền tảng đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.
Năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về “Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ” và Quyết định 1483/QĐ-TTg về “Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển”, bao gồm sản phẩm 6 nhóm ngành: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp công nghệ cao. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tiếp cận được ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực các cam kết quốc tế đang đến gần, điều đó tạo nên áp lực ngày càng lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Công thương trong năm nay là, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ.
Đại diện Phòng Pháp chế (Công ty Honda Việt Nam) đề nghị, đưa lại ngành phụ trợ ô tô trong ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, sau khi nhận thấy, Dự thảo Nghị định mới đã đưa ngành này ra khỏi định hướng ưu tiên. Vị đại diện này cho biết, Việt Nam chúng ta vẫn có cơ hội trong ngành công nghiệp ô tô, khi những bất ổn chính trị leo thang và giá nhân công ngày càng tăng cao ở thị trường Thái Lan, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội này, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội gần như là cuối cùng để xây dựng ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng này.
Đại diện Công ty Canon Việt Nam thì dẫn ra thực trạng mà họ đang gặp phải tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp đến từ Nhật Bản này đã đầu tư ở Việt Nam từ năm 2001, hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 65%. Đại diện công ty này cho biết, họ đã nhiều lần gửi danh mục chi tiết cần nội địa hóa, thậm chí phối hợp với các công ty ở Nhật để giúp công ty Việt Nam sản xuất linh phụ kiện đó, nhưng thành công vẫn chưa tới.
Theo vị này, những phụ kiện cần thiết cho Canon thì lại không thấy đưa vào danh sách ngành, lĩnh vực ưu tiên trong Dự thảo Nghị định. Chẳng hạn, linh kiện điện, bán dẫn, dây cáp điện, USB, cán cuộn, cao su, lò so, nhựa PE, thép cuộn, băng dính, đóng gói sản phẩm.
Cùng với các ý kiến góp ý trên, Công ty Canon và Công ty ô tô Trường Hải lại nêu những khúc mắc tại Điều 30 và 31 của Dự thảo Nghị định, đó là những liên quan đến đối tượng và chính sách ưu đãi.
Theo ý kiến của Công ty Canon, trong trường hợp nhà đầu tư ở Việt Nam, thay vì mở thêm nhà xưởng mới, mà chỉ mở rộng sản xuất linh kiện mới tại công ty con thì cũng nên tạo điều kiện để nhận được ưu đãi.
Đối với Công ty Ô tô Trường Hải, hiện đã đầu tư nhà máy sản xuất ở Khu kinh tế mở Chu Lai, thì có được hỗ trợ gì thêm khi mở rộng không? Nếu được vào diện ưu đãi thì các đơn vị làm thế nào để tiếp cận ưu đãi đó?
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải dù đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị định mới, nhưng khi cụ thể hóa các ưu đãi, đặc biệt là liên quan đến tín dụng, ưu đãi vốn lại rơi vào tình trạng “không biết hỏi ai, không người quyết định” như đã từng xảy ra trước đây sẽ khiến doanh nghiệp thất vọng.
Cùng với đó, ông Dương còn cho rằng, nếu Dự thảo Nghị định đưa ra quá nhiều chi tiết, với những mục tiêu cao xa, thì có thể lại “soạn ra rồi để đấy” giống như những quyết định trước đây.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo